Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Nam Á trong tầm ngắm của khủng bố

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khoảng 250 triệu người Hồi giáo, Đông Nam Á là trung tâm Hồi giáo lớn thứ 2 thế giới sau Trung Đông.

Trong bối cảnh lãnh thổ của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq đang bị thu hẹp đáng kể dưới các cuộc tấn công của lực lượng liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, Đông Nam Á trở thành mảnh đất "màu mỡ" mà khủng bố nhắm đến.

Khoảng 300 kẻ phục tùng Abu Bakar Bashir - lãnh tụ tinh thần của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah vừa được thả đã tới Batam, hòn đảo thuộc quần đảo Riau ở Biển Đông. Batam là khu vực thương mại tự do, có nhiều hải cảng tấp nập và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Nguy hiểm hơn, đảo này chỉ cách Singapore một chuyến tàu ngắn. “Những kẻ khủng bố đang âm mưu muốn biến Đông Nam Á thành cảng mới của IS" - Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid nói. Ông Zahid còn nhấn mạnh, việc chủ nghĩa cực đoan tấn công vào khu vực bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Abu Bakar là phần tử nguy hiểm, đứng sau vụ đánh bom Bali năm 2002 và bị kết án 15 năm tù vào năm 2011. Việc tên này ra tù khiến nhiều người lo ngại các nhóm khủng bố địa phương chẳng khác nào "hổ mọc thêm cánh". Ngoài ra, giới chức Indonesia cảnh báo, các nhóm khủng bố nhỏ trong nước cũng đang muốn tiếp quản vai trò “đầu não” của nhóm Jemaah Islamiyah, sẽ có nhiều phi vụ khó lường hơn để tạo thanh thế, chiếm vị trí đứng đầu.

Không những vậy, các nhóm cực đoan nhắm tới các vụ khủng bố xuyên quốc gia. Cuối tuần trước, Chính phủ Indonesia phá một âm mưu tấn công khủng bố vịnh Marina (Singapore) bằng tên lửa của một nhóm 6 kẻ cực đoan địa phương, trong đó có một kẻ là chiến binh IS. Đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy, IS đã vươn “vòi bạch tuộc” tới các nhóm khủng bố địa phương bởi nhóm này cũng được cho là có liên hệ với Bahrun Naim - kẻ chủ mưu vụ tấn công hồi đầu năm ở trung tâm Jakarta. Vì vậy, lực lượng an ninh Indonesia đang tập trung vào mạng lưới khủng bố trong nước và các chi nhánh du kích nhỏ. Nhưng quan trọng hơn, lãnh đạo các nước ASEAN cần tạo ra một mạng lưới phối hợp trong thông tin tình báo, đi trước một bước để “hóa giải” những kế hoạch tấn công nguy hiểm.