Các ý kiến thảo luận đã thể hiện đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ trong việc giảm, ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN tập trung vào việc sửa đổi một số vấn đề như bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi (ngoài các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo Luật Thuế TNDN hiện hành). Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư để bao quát những khoản thu nhập mới phát sinh, đồng thời loại khoản “hoàn nhập dự phòng” khỏi thu nhập khác cho đúng bản chất (hạch toán giảm chi phí). Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 theo hướng giảm dần mức động viên, Dự thảo cũng quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22% (hiện nay là 25%). Với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%. Cho rằng việc Chính phủ đề xuất các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Tại buổi thảo luận, đồng tình quan điểm này của Chính phủ nhưng ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) vẫn đề nghị tính toán để cho mọi đối tượng hưởng thuế TNDN ừ ngày 1/7 năm nay thay vì chờ đến 1/1/2014. Cùng chung nhận định cho rằng, việc luật hóa những chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng và đúng lúc, ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) bổ sung, theo quy định, DN làm ăn có lãi thì nộp thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu cứ áp thuế suất cao mà ít DN đóng góp thì số thu NSNN vẫn không cao. Theo lộ trình sửa đổi Luật Thuế TNDN, tới năm 2020, chúng ta dự kiến giảm thuế suất xuống 20% và sẽ áp dụng mức thấp hơn những năm sau đó. Vì vậy, nếu ta mạnh dạn đưa ngay thuế suất thuế TNDN xuống mức 20% trong kỳ sửa đổi này và giảm tiếp 18% từ những năm sau, không phân biệt quy mô DN thì mới bảo đảm trong cạnh tranh và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Liên quan đến quy định về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng (QCTT) của DN, một số ĐB đồng tình với việc nâng mức khống chế được trừ (từ 10% lên 15%), song cũng có ĐB kiến nghị nên bỏ khống chế chi phí. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị, ngoài việc quy định rõ lộ trình nhằm tiến tới bỏ khống chế, trước mắt nên quy định trừ chi phí này theo tỷ lệ % trên doanh thu cho DN để tránh sự phức tạp trong việc xác định chi phí và bảo đảm tính rõ ràng minh bạch của Luật. ĐB Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, DN hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau sẽ có nhu cầu về chi phí QCTT khác hẳn nhau. Đơn cử, DN kinh doanh bia, mỹ phẩm sẽ cần nguồn chi phí lớn hơn mới có thể cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đề xuất hoạt động từ báo in và quảng cáo báo in được áp thuế suất thuế TNDN10% trong thời hạn 15 năm nhưng trong Tờ trình của Chính phủ lại không áp dụng ưu đãi thuế với báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ giảm thu nhập ngân sách. Trên thực tế, thời gian vừa qua, hoạt động của nhiều cơ quan báo chí bị lỗ, phải lấy doanh thu từ quảng cáo (bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ) để bù vào. ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) phát biểu, thậm chí thuế TNDN có xuống 10% nhưng thực chất chỉ với báo có lãi thì có tác dụng, còn phần lớn đang khó khăn hiện nay thì thuế suất này không hỗ trợ gì nhiều. Nên có hỗ trợ khác để báo chí phát triển nếu không dễ bị chi phối bởi bên ngoài”, ĐB Huệ góp ý. Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN sẽ được QH thông qua vào ngày 19/6 tới.