Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 16/5:

Dòng tiền đổ vào ngân hàng, VN-Index tiến sát đỉnh 1.270 điểm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường hôm nay giao dịch trong trạng thái hưng phấn. Đà tăng duy trì từ đầu đến cuối phiên. Dòng tiền chủ yếu đổ vào ngân hàng khiến cổ phiếu ngành này kết phiên với sắc xanh bao phủ 100%.

Ngân hàng dẫn sóng, VN-Index tăng hơn 14 điểm

Kết phiên hôm nay, VN-Index tăng 14,39 điểm tương đương 1,15%, lên 1.268,78 điểm tiến sát mốc 1.270. Thanh khoản có cải thiện hơn so với hôm qua, đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, tương đương về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 76,2 triệu đơn vị, giá trị 2.003 tỷ đồng.

Dòng tiền đổ vào ngân hàng, VN-Index tiến sát đỉnh 1.270 điểm - Ảnh 1

Trong top 10 cổ phiếu hỗ trợ VN-Index nhiều nhất, ngành này có đến 9 đại diện gồm VCB, TCB, BID, CTG, LPB, VPB, MBB, ACB và HDB. Trong đó, LPB là mã có thanh khoản trăm tỷ và tăng kịch trần. Đa số các mã trụ ngành này đóng cửa với thị giá cao hơn 2-3% so với tham chiếu.

Cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều nhất cho đà đi lên của VN-Index. Trong đó, TCB là mã tăng tốt nhất trong số những mã ngành này ở rổ VN30 với mức tăng 3,7% lên 49.900 đồng, khớp hơn 20,8 triệu đơn vị. Tiếp theo là HDB tăng 3% lên 24.200 đồng, CTG tăng 2,6%, các cổ phiếu ACB, VIB, BID, STB, SHB, MBB, TPB tăng hơn 2%, trong khi VCB, SSB, VPB cũng có được sắc xanh khi đóng cửa.

Đáng chú ý hai cổ phiếu nhỏ là OCB và LPB phiên này tăng cao nhất trong các mã ngân hàng, với OCB tăng 4,7%, còn LPB tăng trần. 

Sự lan tỏa cũng rộng khắp các ngành, với 19 ngành tăng, mạnh nhất là dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tăng hơn 5,46% với động lực từ TV2 “tím trần”. Trong 6 ngành giảm được thống kê, mức giảm mạnh nhất cũng chỉ là 0,7% tại ngành chăm sóc sức khỏe.

Các mã ngành điện ngoài TV2 tăng trần thì đều tăng khá mạnh trong phiên này với PC1, HNA, S4A, NT2, REE tăng 2-3%.

Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá: NLG, VRE, PDR, KDH, DXG… Nhóm chứng khoán cũng ngập trong sắc xanh. 

Trong rổ VN30, HPG tiếp tục gây chú ý với việc tăng 1,3% lên 31.600 đồng/cp, lập đỉnh mới trong 1 năm trở lại đây. Vốn hoá HPG lên mức 183.000 tỷ USD, cao thứ 5 toàn sàn, trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán.

Khối ngoại giao dịch khá cân bằng ở 2 chiều, giá trị mua ròng chỉ hơn 6 tỷ đồng. Ở chiều mua, vốn ngoại giải ngân vào MWG, NLG, STB, BID, TCB… Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng VHM, PVD, MBB, STB, TCH…

Cổ phiếu VIC "bất động" trước tin gần 30.000 đơn đặt hàng VF3

Cổ phiếu VIC bất ngờ "đứng hình" với tin đặt cọc kỷ lục. Chốt phiên 16/5, VIC tăng nhẹ 0,86% lên mức giá 46.750 đồng/cp, tăng không đáng kể với khối lượng 2,7 triệu cổ phiếu sang tay. Vốn hóa thị trường của Vingroup tương ứng khoảng 178.000 tỷ đồng, tụt xuống thứ 4 trong danh sách các doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sau Vietcombank, BIDV và HPG trên HoSE.

Trước đó cổ phiếu VIC cũng đã tăng mạnh sau khi VinFast ra mắt VF 3. Có lúc hưng phấn nhất, VIC được trả giá 47.980 đồng/cp sau đó giảm dần. Tính từ cuối tháng 4 đến nay, thị giá VIC tăng 13% từ 41.000 đồng lên 46.750 đồng/cp.

Trước đó, VinFast vừa công bố đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF 3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm, đạt kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô. Đặc biệt, 100% đơn hàng đều không được hoàn hủy hoặc chuyển nhượng. Tính ra cứ mỗi 7 phút lại có một đơn đặt cọc mua xe VF 3. Như vậy với mức giá cọc 15 triệu đồng/xe, VinFast đã có thể thu về 414 tỷ đồng sau hơn 2 ngày nhận cọc.