Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng tiền èo uột, cổ phiếu ngân hàng “cản đường" VN-Index

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kết phiên giao dịch ngày 18/4, VN-Index tăng trở lại 1,21 điểm (0.11%) lên 1.055,02 điểm. Đà tăng của VN-Index bị cản đường bởi nhiều cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản vẫn ở mức thấp, dòng tiền chưa có dấu hiệu quay lại mạnh mẽ.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cổ phiếu ngân hàng “cản đường” VN-Index

Hôm nay  tiếp tục là phiên giao dịch khá nhàm chán, cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục phân hóa, với lượng cổ phiếu tăng, giảm giá bám đuổi sát sao. Tại rổ VN30, 14 cổ phiếu tăng giá, và 13 mã giảm.

Kết phiên, VN-Index tăng trở lại 1,21 điểm (0.11%) lên 1.055,02 điểm. Đà tăng của chỉ số chính sàn HoSE bị cản đường bởi nhiều cổ phiếu ngân hàng như TCB, ACB, BID, TPB, VCB, CTG và 1 vài cổ phiếu Large Cap khác như BVH, GAS, FPT. Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh, 20/27 cổ phiếu trong nghành giảm giá. LPB, SGB, SHB, NVB giảm trên 2%.

Liên quan đến LPB, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo không tổ chức phiên đấu giá công khai cổ phần LPB do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu vào ngày 21/4/2023 như kế hoạch do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15 giờ 30 ngày 14/4/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần LPB. Trước đó theo kế hoạch, VNPost sẽ thực hiện bán đấu giá gần 141 triệu cp LPB với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị cả lô gần 3.219 tỷ đồng.

Cũng ở nhóm ngân hàng, sắc xanh hiếm hoi xuất hiện ở ABB, OCB, HDB. Trong đó ABB tăng mạnh nhất 2,4%. Trong khi cổ phiếu ngân hàng ảm đạm, thì nhóm chứng khoán bất ngờ giao dịch hưng phấn cuối phiên. Cùng với đó, thị trường khởi sắc hơn. PSI, BSI, FTS tăng trần. SSI tăng 1,9%, VND tăng 2%, SHS tăng 3%, HCM, VCI tăng trên 3%.

Nhóm xây dựng cũng có phần tích cực hơn. CTD tăng trần, HBC tăng 5%, PLC tăng 4,9%... Các cổ phiếu VCG, HHV, FCN, BCC, C4G cùng tăng giá. Tại rổ VN30, VNM, VHM, SAB, PLX... là những mã giao dịch tích cực nhất hôm nay. Dù vậy, số điểm đóng góp cho VN-Index không lớn, do thanh khoản của các mã còn khiêm tốn. Ngoài sự khởi sắc của nhóm chứng khoán, xây dựng, cổ phiếu các ngành khác khá phân hóa.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,21 điểm (0,11%) lên 1.055,02 điểm. HNX-Index tăng 1,62 điểm (0,78%) lên 208,25 điểm. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (0,45%) lên 78,73 điểm. Thanh khoản thấp, nhưng có phần khởi sắc về cuối phiên. Giá trị khớp lệnh HoSE lên hơn 8.622 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng, giá trị 144 tỷ đồng, tập trung vào HPG, VPB, VHM, PNJ, MSN...

Đến lúc thu hẹp danh mục đầu cơ?

Theo quan sát của Chứng khoán Đông Á, nhà đầu tư vẫn thận trọng sau khi xu hướng tiêu cực xuất hiện cuối tuần qua. Thanh khoản toàn thị trường giảm sâu, dòng tiền chỉ thể hiện sôi động trên vài nhóm nhỏ như thủy sản, chứng khoán, chưa đủ để cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Dấu hiệu tích cực là khối ngoại có phiên mua ròng trở lại sau 7 phiên bán ròng liên tục.

VN-Index đang tiếp cận vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.050 điểm và các cổ phiếu đang vận động trong nhịp điều chỉnh. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng khi thực hiện các giao dịch ngắn hạn.

Đối với danh mục trung hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và chờ đợi cơ hội giải ngân khi có phiên điều chỉnh. Nhóm cổ phiếu cần quan tâm liên quan đến tác động tích cực từ chính sách điều hành kinh tế như: Ngân hàng, cổ phiếu xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp và năng lượng - điện.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, cơ hội tăng giá ngắn hạn chỉ được thiết lập trở lại nếu VN-Index vượt thành công và duy trì kết tuần ở trên vùng cân bằng trước đó tại ngưỡng quanh khu vực 1.065 – 1.070 điểm.

"Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp hồi phục để thu hẹp danh mục đầu cơ ngắn hạn và tăng tỷ trọng các mã cổ phiếu đầu tư dài hạn. Tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn hiện tại không nên vượt quá 50%" - TVSI khuyến nghị.

Dưới góc nhìn của Chứng khoán Asean (Aseansc), thị trường đã trải qua một phiên tăng điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản giảm mạnh và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán.

Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn, nhất là khi ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 4 (20/4) và mùa báo cáo kết quả kinh doanh qúy I/2023 đang đến gần.