Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng tình việc nâng số Đại biểu Quốc hội chuyên trách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (3/6), Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Trong đó phần lớn ý kiến đều nhất trí với Dự Luật về việc tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách từ 25% lên 35%, thậm chí là lên 40% để đảm bảo Quốc hội hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn.

Theo ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội), Dự Luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng ĐB chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng ĐB chuyên trách Trung ương và địa phương và có tính đến các yếu tố dân tộc, các giai tầng trong xã hội. Đồng thời cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp. Điểm mới hơn nữa các hình thức tiếp xúc một cách rộng rãi, linh hoạt hơn.

Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là hạt nhân, là trung tâm của Luật Tổ chức Quốc hội, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Dự Luật cần đảm bảo phúc đáp được 3 yêu cầu đã được thể hiện trong Hiến pháp về vị trí, vai trò của Quốc hội gồm: Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp. Nhận xét, phạm vi của dự án luật còn chưa rõ ràng. Do đó, Luật cần nâng cao vai trò, vị trí, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

 
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
Nhiều ĐB lại cho rằng không nên quy định cứng số ĐB Quốc hội vì sẽ khó khả thi, không bầu đủ lại phải bầu bổ sung rất tốn kém. ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề: Rất lâu rồi, Quốc hội mới bầu được đủ 500 ĐB như khóa này. Nếu ghi cứng là 500 ĐB thì khó thực hiện và khi bầu không đạt được thì xử lý như thế nào, bầu lại ra sao sẽ vừa tốn kém vừa phức tạp.

Nhiều ĐB cũng đề nghị cần nâng trình độ, năng lực của ĐB để giúp Quốc hội hoạt động càng hiệu quả. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng: Dự Luật đã thiếu một quy định rất quan trọng là cơ cấu nam và nữ trong ĐB Quốc hội. “Quốc hội là ĐB của nhân dân, do vậy cần đủ tỷ lệ giới tính thì mới đáp ứng được yêu cầu đại biểu cho nhân dân. Từ đó, đại biểu Hòa kiến nghị cần quy định thêm tỷ lệ giới tính ngay trong quy định về số lượng đại biểu Quốc hội”.

Chiều nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị chỉ nên quy định hai loại là thẩm phán tối cao và thẩm phán thay vì quy định như trong dự thảo bao gồm: Thẩm phán tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán sơ cấp và thẩm phán trung cấp. Đồng thời, có ý kiến hco rằng thẩm phán từ cấp huyện trở lên do Chủ tịch nước bổ nhiệm, không có cớ gì phân ra sơ thẩm, trung thẩm, mà nếu quy định như vậy thì cần phải phân cấp toà nào thẩm phán sơ cấp được xử, tòa nào thẩm phán trung cấp được xử.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, vẫn còn có các ý kiến khác nhau trong việc quy định tuổi nghỉ hưu cho vị trí này. Theo dự thảo, Thẩm phán TANDTC được nghỉ hưu khi 65 tuổi, tuy nhiên nhiều ĐB cho rằng, không thể “đổ đồng” giống nhau và cần xem xét lại quy định này, bởi mỗi người có trình độ khác nhau, sức khoẻ khác nhau, do vậy nên có phân loại. Một số ý kiến cũng góp ý việc áp dụng chế độ công chức hành chính đối với thẩm phán; nhiệm kỳ thẩm phán; quản lý Tòa án Nhân dân, tòa giản lược, án lệ…