Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng USD chạm đáy 13 tháng sau khi FED giữ nguyên lãi suất

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Trong phiên giao dịch ngày 27/7 (giờ Việt Nam), đồng bạc xanh mất giá mạnh nhất so với các đồng tiền chủ chốt khác trong hơn 1 năm qua sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất và thể hiện sự thận trọng về lạm phát.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm xuống còn 93,44 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016.
Trong tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, lãnh đạo FED cho rằng lạm phát vẫn ở dưới mức 2%. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), vốn được FED ưa dùng để đo lạm phát, tăng chậm lại còn 1,4% trong vòng 12 tháng qua so với mức đỉnh 5 năm là 2,1%. Lãnh đạo FED thông báo giữ nguyên lãi suất đúng như dự đoán trước đó, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu bán ra trái phiếu “tương đối sớm”.
 Trong phiên 27/7, đồng USD giảm giá so với đồng yen Nhật.
Trước khi FED ra thông cáo, chỉ số USD lên đến 94,29 điểm. Trong tuần trước, chỉ số này đã giảm 1,4%.
Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) cho biết sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ như dự đoán trước đó. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm bắt đầu tiến hành bình thường hóa tài sản của mình. Chính sách này thay đổi so với công bố trước đó của FED rằng họ sẽ bắt đầu giảm 4.500 tỷ USD giá trị trái phiếu đang nắm giữ trong năm nay.
“Theo cách nghĩ của chúng tôi, từ "sớm" ở đây nghĩa là FED sẽ giảm tài sản vào tháng 9, tuy nhiên vẫn hy vọng rằng sẽ có tín hiệu cụ thể hơn về thông tin này”, ông Vassili Serebriakov, chuyên gia chiến lược ngoại hối ở Credit Agricole nhận định.
Việc thiếu những thông tin bất ngờ đã khiến đồng USD tiếp tục mất giá trong rổ tiền tệ thế giới.
Chỉ số USD đã giảm gần 4% trong tháng 6 vừa qua và hơn 8,5% trong năm nay. Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra mức giao dịch kỹ thuật của USD bắt đầu giảm, tình trạng bán tháo xảy ra thường xuyên hơn và đồng bạc xanh sẽ tiếp tục giảm.
So với đồng USD, đồng euro chạm đỉnh kể từ tháng 1/2015, ở mức 1,1750 USD. Tính từ đầu năm, đồng tiền chung châu Âu đã tăng hơn 10%.
Đồng bảng Anh cũng tăng mạnh so với đồng USD, giao dịch ở mức 1 bảng đổi được 1,3119 USD. Trước đó, đồng bảng chạm đáy 1,3000 USD do tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của của Anh tăng 0,3% trong quý II như dự báo.
So với đồng yen Nhật, đồng USD giảm giá còn 111,11 yen đổi 1 USD so với 112,13 yen trước khi FED ra thông cáo, và 111,89 yen trong phiên giao dịch ngày 25/7.