Trong phiên giao dịch này, đồng USD giảm 0,2%, xuống còn 112,28 yen Nhật, song tính chung vẫn tăng 1,3% trong tuần. Tỷ giá USD/JPY ở mức 112,58 - cao nhất trong vòng 2 tháng trong phiên giao dịch trước đó sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông báo giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng.
Đồng USD mất giá so với yen Nhật do tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, ngày 22/9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch mạnh nhất ở Thái Bình Dương nhằm đáp trả lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, đồng bạc xanh suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác vì ảnh hưởng từ thông tin về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dần mờ nhạt mặc dù 2 báo cáo kinh tế về hoạt động sản xuất và thị trường lao động cho kết quả tốt hơn dự báo.
Báo cáo sản xuất tích cực đã vượt qua dự báo của 18 chuyên gia kinh tế rằng sự gián đoạn do cơn bão Harvey gây ra sẽ ảnh hưởng tới sản xuất quốc gia. FED tại Philadelphia ngày 21/9 công bố chỉ số sản xuất tăng từ 18,9 điểm lên 23,8 điểm, mức cao nhất 3 tháng, trong tháng 8.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đầu tiên giảm 23.000 xuống còn 259.000 trong tuần tính đến hết ngày 16/9, so với dự báo trước đó là giảm 18.000 đơn.
Đồng USD giảm sau khi lên đỉnh 2 tuần trong phiên trước đó vì FED gợi ý sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed giữ lãi suất không đổi ở mức 1-1,25%.
Trong khi đó, đồng euro giảm 0,02% so với USD xuống 1,1942 USD. Phát biểu hôm 21/9 của Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Mario Draghi đã hỗ trợ đồng euro tăng so với USD. Chủ tịch ECB cho rằng chính sách tiền tệ không phải một công cụ thích hợp để giải quyết mất cân bằng tài chính. Ông Draghi cũng không đưa ra gợi ý mới về chương chính mua tài sản của ngân hàng trung ương.