Trên thực tế, thị trường vốn toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng gần như đóng băng trong thời gian qua. Ngay cả Trung Quốc - nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới hiện nay cũng phải chứng kiến tình trạng rút vốn kỷ lục lên tới 225 tỷ USD, tương đương 3% GDP của nước này năm 2011 và gấp đôi dòng vốn rút khỏi đây trong giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn "đón" được 9,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, riêng các nhà đầu tư Nhật Bản đã chiếm tới 50% tổng lượng vốn đầu tư. Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra tại TP. HCM hôm 16/10, 40 doanh nghiệp lớn của Philippines đều nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, cho thấy tiềm năng trở thành địa bàn hút vốn từ các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á của Việt Nam.
Dù kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng.Ảnh: Thanh Hải
Không chỉ có các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nhà đầu tư tại khu vực châu Mỹ như Tây Ban Nha, Argentina đã đánh giá cao tiềm năng kinh doanh và tích cực xúc tiến các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo kế hoạch của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu máy nông nghiệp Tây Ban Nha (Agragex), Việt Nam là một trong những điểm đến trong chuyến xúc tiến thương mại tại Đông Nam Á của các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp Tây Ban Nha từ ngày 22 - 26/10. Ngoài ra, khoảng 250 nhà doanh nghiệp Argentina cũng đã đăng ký tham gia đoàn khảo sát thị trường Việt Nam cuối tháng này, một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm được chính phủ Argentina tiến hành trong năm nay.
Bên cạnh phái đoàn gồm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lương thực, thực phẩm và đồ uống; công nghiệp ô tô; máy móc, thiết bị xây dựng và nông nghiệp; dệt may, da giày; trong tháng 11 Hội đồng đầu tư liên bang Argentina tổ chức một đoàn xúc tiến khác tới Việt Nam với sự tham gia của 8 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.
Những hoạt động xúc tiến thương mại sôi động trên đã phản ánh xu thế các nền kinh tế phát triển của cả phương Đông và phương Tây đã chọn Việt Nam như một điểm đến an toàn để đầu tư. Lý giải nguyên nhân Việt Nam trở thành khu vực trọng tâm tiếp nhận dòng tiền từ nước ngoài, Trưởng ban Kinh tế của Viện Hàn lâm khoa học Nga Marina Tregubenko… cho rằng, lực lượng lao động ở Việt Nam rẻ hơn từ 2 - 3 lần, còn trẻ và rất dễ đào tạo. Tăng trưởng công nghiệp mạnh cùng việc dân số trẻ đã tạo ra một thị trường lớn trong nước.
Đặc biệt, việc các nhà đầu tư phương Tây và phương Đông bắt đầu chú trọng đầu tư nâng cấp các phương tiện vận tải đường bộ, vận tải hàng không cũng như đường biển tại Việt Nam như dự án hành lang giao thông "Đông -Tây" cho thấy, Việt Nam được nhìn nhận như một điểm giao thương trọng tâm của thị trường khu vực. Ngoài ra, môi trường xã hội ổn định, hệ thống pháp luật và chính sách ưu đãi cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.