Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Xuân khởi sắc cùng hoa nhài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình trồng hoa nhài, đời sống của người dân xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) đã được cải thiện rõ rệt, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Giá trị thu nhập cao

Đến Đông Xuân thời điểm này, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh đồng ngập tràn màu trắng của hoa nhài. Dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng do đang vào mùa cao điểm thu hoạch hoa nhài nên ngay từ đầu giờ chiều, cánh đồng mẫu lớn của xã Đông Xuân đã đông nghịt người. Vừa thoăn thoắt hái từng búp nhài, chị Lê Thị Thủy (thôn Cả, xã Đông Xuân) vừa cho chúng tôi biết, thời gian thu hoạch hoa nhài kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 9, trong đó, tháng 6 là giai đoạn hoa nhài nở rộ. Bông nhài khi đã chớm nở phải thu hoạch ngay, không thể để tới ngày hôm sau vì hoa sẽ nở quá to, thương lái không thu mua. Chính vì vậy, các hộ đều phải tranh thủ hái cho bằng hết số nụ đơm bông trong ngày.  

 
Thu hoạch hoa nhài tại xã Đông Xuân. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thu hoạch hoa nhài tại xã Đông Xuân. Ảnh: Lâm Nguyễn
So với việc trồng lúa, cây nhài cho thu nhập cao hơn nhiều, dù việc chăm sóc có phần vất vả hơn. Trời rét, hoa nở muộn, nếu gặp trời mưa, hoa rất dễ hỏng. Trong suốt quá trình cây đơm hoa, người trồng hoa phải thường xuyên tỉa lá, bón phân, phun thuốc diệt trừ các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ cánh cứng… Nếu được chăm sóc tốt, một sào trồng nhài có thể cho thu hoạch 400kg hoa/vụ, trừ chi phí có thể thu lời hàng chục triệu đồng.   

Ông Trần Văn Chắt - Trưởng thôn Bến (xã Đông Xuân) chia sẻ, hiện cả thôn có khoảng 17ha đất trồng nhài (chiếm hơn 1/3 tổng diện tích trồng nhài của toàn xã). Thôn có khoảng 350 hộ thì hơn 95% làm nghề trồng nhài. Nếu trước đây, người dân chỉ biết trông vào cây lúa, một năm hai vụ với thu nhập thấp thì trong vài năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi sang trồng nhài lấy hoa, thu nhập của người dân đã tăng gấp 5 - 8 lần.

Tiếp tục nhân rộng

Ông Lê Văn Được - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết, nhờ hiệu quả kinh tế cao nên hiện có tới trên 50% số hộ trong toàn xã tham gia trồng nhài. Nhờ cây nhài mà thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Cụ thể, nếu như cách đây chừng 5 năm, thu nhập của người dân chỉ vào khoảng 18 triệu đồng/người/năm thì nay đã đạt trên 24,5 triệu đồng. Nhờ kinh tế được cải thiện nên việc huy động sức dân trong các phong trào đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương cũng thuận lợi hơn.

Mới đây, lãnh đạo xã đã thống nhất với các hộ dân về việc ký hợp đồng thu mua dài hạn với Hiệp hội Hoa nhài huyện Sóc Sơn. Theo đó, mức giá thu mua sẽ được duy trì ổn định, liên tục trong vòng 7 năm (từ năm 2014 - 2021) và không thấp hơn 35.000 đồng/kg, giúp người dân an tâm trong khâu tiêu thụ, từ đó có hướng đầu tư, phát triển cây nhài về lâu dài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, toàn huyện có 126ha đất trồng nhài, trong đó xã Đông Xuân chiếm gần 1/2 tổng diện tích. Nhận thức được vai trò của cây nhài trong nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, Sóc Sơn đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhài và hỗ trợ người dân ở đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng loại cây này ra các xã khác như Phù Lỗ, Xuân Giang, Bắc Phú…, phấn đấu tăng diện tích trồng nhài thêm từ 5 - 10ha/năm.