Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dow Jones đóng cửa dưới ngưỡng 13.000 điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đầy kịch tính và bám đuổi hết sức sít sao giữa hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là ông Obama và ông Mitt Romney, đương kim Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức tái đắc cử vào ngày 7/11.

Nhiều người hy vọng kết quả này sẽ mang lại cho kinh tế Mỹ một diện mạo mới với những biện pháp và chính sách mà vị Tổng thống da màu này đưa ra.

Việc Tổng thống Barack Obama tái đắc cử sau chiến thắng áp đảo trước đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng. Phiên 7/11, chỉ số S&P khu vực tài chính giảm 3,5%, còn S&P lĩnh vực năng lượng giảm 3,1%.

Dow Jones đóng cửa dưới ngưỡng 13.000 điểm - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lần đầu tiên kể từ phiên giao dịch 4/9 tới nay, Dow Jones đóng cửa dưới ngưỡng 13.000 điểm...

Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua lao dốc mạnh là bởi nhà đầu tư lo lắng về vực thẳm ngân sách, tình trạng xảy ra khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đồng loạt tự động có hiệu lực từ đầu năm sau.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh tới 312,95 điểm, tương ứng 2,36%, xuống còn 12.932,73 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 33,86 điểm, tương ứng 2,37%, xuống 1.394,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt 74,65 điểm, tương ứng 2,48%, xuống 2.937,29 điểm.

"Tâm bão" của phiên này là chỉ số công nghiệp Dow Jones. Lần đầu tiên kể từ phiên giao dịch 4/9 tới nay, Dow Jones đóng cửa dưới ngưỡng 13.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng đánh dấu ngày giảm điểm lớn nhất kể từ tháng 6, với toàn bộ 10 nhóm ngành thuộc chỉ số này đều đỏ sàn.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ, với 7,81 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, vượt xa mức trung bình hàng ngày 6,5 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Khoảng 80% cổ phiếu trên cả hai sàn New York và Nasdaq chốt ngày ở thế giảm điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kết thúc phiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 2,26 điểm, tương đương 0,03%, xuống còn 8.972,89 điểm.

Còn tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 lại biến động theo chiều tăng, song dao động không đáng kể so với phiên trước, lần lượt chỉ tăng 9,38 điểm (0,49%) và 31,7 điểm (0,71%), lên mức 1.937.55 điểm và 4.516,5 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động bất nhất, khi mà tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa một bên là niềm hứng khởi từ kết quả bầu cử của Mỹ và một bên là sự thận trọng trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc ngày 8/11.

Đóng cửa phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 155,42 điểm (0,71%), lên 22.099,85 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại hạ nhẹ 0,27 điểm, xuống còn 2.105,73 điểm.