Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng (tương đương 408,9 triệu USD) bằng khoản vay WB (Ngân hàng Thế giới), nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, nguồn vốn đối ứng của các tỉnh tham gia dự án.
Theo đó, dự án gồm 3 hợp phần chính là hợp phần nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ đường địa phương (gọi tắt là hợp phần đường); hợp phần xây dựng cầu dân sinh (gọi tắt là hợp phần cầu) và hợp phần tư vấn chung.
Trong đó, hợp phần xây dựng cầu dân sinh đã xác định được 50 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc và miền núi sẽ được xây dựng mới khoảng 2.192 cầu dân sinh có tuổi thọ thiết kế 25 năm, tải trọng đoàn người đi bộ rải đều 300kg/m2, bề rộng khổ cầu 1,5m đối với cầu có số lượt người đi ban đầu 50-500 người/ngày và 2m với cầu có số lượt người đi ban đầu >500 người/ngày. Tổng mức đầu tư để làm số cầu dân sinh này là 5.798 tỷ đồng.
Thi công cầu treo dân sinh.
|
Hợp phần nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ đường địa phương với tổng mức đầu tư 3.296 tỷ đồng đã lựa chọn được 14 tỉnh trên cơ sở khu vực phía Bắc và Duyên hải miền Trung, là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Hợp phần tư vấn chung bao gồm các công việc tư vấn chung cho toàn bộ dự án, hỗ trợ kỹ thuật và Bảo trì đường bộ dựa trên cộng đồng... Hợp phần này có giá trị 108,45 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án quản lý tài sản đường địa phương được đầu tư bằng khoản vay WB, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và các tỉnh tham gia dự án.
Cụ thể, vốn vay WB là 385 triệu USD (tương đương 8.665 tỷ đồng). Vốn đối ứng ngân sách Trung ương 297,5 tỷ đồng (tương đương 13,2 triệu USD), vốn đối ứng của tỉnh 241 tỷ đồng (tương đương 10,7 triệu USD).
“Vốn vay WB được sử dụng cho chi phí xây dựng, các chi phí tư vấn xây dựng, chi phí khác (bao gồm các khoản thuế), chi phí tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Đối với hợp phần đường, vốn đối ứng do ngân sách tỉnh cấp phát cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ, quản lý dự án, kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành... Đối với hợp phần cầu, các tỉnh cam kết đóng góp chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ,” ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.
Theo người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quy hoạch phát triển giao thông nông thôn đến 2020 từng bước kiên cố hóa cầu vượt sông, suối phục vụ dân sinh ở các khu vực miền núi; xóa bò toàn bộ cầu khỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình xây dựng cầu dần sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số với phạm vi nghiên cứu 50 tỉnh, trong đó ưu tiên xây dựng 4.145 cầu dân sinh.
Hiện giai đoạn 1 gồm 186 cầu treo đã được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2 gồm 295 cầu treo và 3.664 cầu bê tông với tổng giá trị đầu tư 7.407 tỷ (chưa bao gồm chi phí xây dựng đường hai đầu cầu, chi phí giải phóng mặt bằng...) dự kiến triển khai trong thời gian 5 năm nhưng đến nay chưa có đủ vốn thực hiện.
Đánh giá về bối cảnh các nguồn lực đầu tư trong nước rất hạn chế, các dự án có tính an sinh, xã hội, phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, rất khó để có thể hoàn vốn, người đứng đầu Tổng cục Đường bộ cho rằng, việc đầu tư xây dựng các cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số và khôi phục đường địa phương, phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường địa phương là rất cần thiết và cấp bách.
“Việc đầu tư dự án này sẽ góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo được một hệ thống đường giao thông nông thôn rộng khắp, có tác động lớn đến đời sống và phát triển của người dân,” ông Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận.