Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho hay, trong điều kiện hiện nay, ngân sách TP còn hạn chế, khó cân đối, đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Do đó, từ năm 2016 UBND TP đã có chủ trương thực hiện theo các hình thức khác nhằm huy động nguồn lực từ xã hội và các điều kiện sẵn có, trong đó có phương án thực hiện một số dự án trọng điểm, bức xúc theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Từ năm 2013 trở về trước, UBND TP đã cho phép nghiên cứu triển khai thực hiện 63 dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên để đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, ưu tiên đầu tư tập trung vào các lĩnh vực chống UTGT, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, chống ô nhiễm môi trường, UBND TP đã cho dừng thực hiện 42 dự án.
|
Tuyến đường nối Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) với Xa La (quận Hà Đông) theo hình thức BT đang được hoàn thiện. Ảnh: Công Hùng |
Tại hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 17/6 vừa qua, UBND TP đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án thực hiện theo hình thức BT. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là các dự án nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015, đã được UBND TP báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
"Có nhiều ý kiến chủ quan cho rằng, nhà đầu tư tham gia các dự án BT được đối ứng 40ha là đem xây nhà cả 40ha rồi bán. Thực tế 70 – 80% trong số đó để làm công trình như đường đi, công viên, cây xanh, nhà văn hóa… phục vụ người dân chứ không được bán." - Thạc sỹ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái |
Ông Vũ Duy Tuấn bày tỏ, không có chuyện “xin - cho” trong việc thực hiện các dự án BT giao thông. “Đây là một quy trình chặt chẽ được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật, Nghị định Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư” - ông Tuấn cho hay.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin thêm, có những dự án do TP đề xuất có những dự án lại do DN chủ động nghiên cứu đề xuất, cơ quan chức năng thẩm định thấy khả thi sẽ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư và đưa ra đấu thầu. Với dự án mà nhà đầu tư chủ động bỏ tiền nghiên cứu, lập báo cáo khả thi, khi đấu thầu, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên cộng điểm theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải DN đưa ra một dự án, xin là được.
Mặt khác, tổng mức đầu tư không phải là con số cuối cùng của mỗi dự án BT. Đầu tiên là tổng mức đầu tư dự kiến; rồi đến dự toán được duyệt; tiếp đó là giá thành sau đấu thầu; cuối cùng là quyết toán hoàn thành công trình. Tất cả các khâu đều có sự thẩm định, giám sát của cơ quan chức năng TP cũng như bộ, ngành T.Ư. Ngoài ra còn được tư vấn độc lập, kiểm toán độc lập và Chính phủ chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Đặt lợi ích người dân lên hàng đầuThời gian qua, dư luận dấy lên nhiều đồn đoán xung quanh một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT tại Hà Nội. Không ít ý kiến cho rằng, việc đổi hàng chục ha đất “vàng” lấy dự án là quá thiệt thòi cho TP, thậm chí là lãng phí. Tuy nhiên, phía Sở KH&ĐT Hà Nội lại có những kiến giải khác. Trưởng phòng Quản lý Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Sở KH&ĐT Hà Nội Lương Hoài Nam cho hay, trên thực tế không phải toàn bộ diện tích đối ứng cho dự án đều được cấp cho nhà đầu tư để xây nhà bán kiếm lợi.
Lấy ví dụ như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị (KĐT) mới C2 - Gamuda Gardens (Hoàng Mai) theo hình thức hợp đồng BT. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; giá trị công trình BT trên 848 tỷ đồng. Quỹ đất đối ứng để thực hiện dự án nằm tại khu đất có ký hiệu C9 - CN3 (nay là một phần ô quy hoạch ký hiệu D2) với diện tích khoảng 20ha trên địa bàn các phường: Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở. Ông Nam phân tích, con số 20ha là dự kiến ban đầu, sau khi xác định quy hoạch lại chỉ còn 18,72ha. Trong đó, đất dành cho giao thông, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, công trình công (nhà văn hóa, bệnh viện, trường học…), quỹ đất tái định cư (20%)… chiếm 15,66ha. Nghĩa là nhà đầu tư chỉ còn lại 3,12ha (16,7%) đất được sử dụng để xây dựng các công trình thương mại.
Đối với nhiều dự án khác như: Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các KĐT dân cư quận Hà Đông; tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai - Vành đai 2,5; tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng; tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn - Vành đai 3, quận Thanh Xuân…, phần đất được khai thác thương mại của Nhà đầu tư chỉ dao động từ 26 - 34%.
“Tất cả các công trình công cộng, hạ tầng, quỹ đất tái định cư… sau khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư phải bàn giao lại cho TP quản lý, sử dụng vào mục đích cộng đồng.” - ông Nam khẳng định.