Dự án kết nối 3 xã vùng Gò Nổi
Cầu Văn Ly và đường dẫn kết nối đôi bờ sông Thu Bồn giữa vùng Gò Nổi (gồm 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong) đi từ thị xã Điện Bàn sang huyện Đại Lộc (đều thuộc tỉnh Quảng Nam), liên kết với TP Đà Nẵng. Khi hoàn thành, dự án sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực phía Bắc của tỉnh, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của Quảng Nam và các địa phương lân cận.
Được khởi công vào tháng 9/2023, dự án xem như niềm mong mỏi của đông đảo người dân vùng Điện Bàn và Đại Lộc. Bởi, Gò Nổi được ví như một ốc đảo, người dân muốn qua xã Điện Hồng hoặc ngược lên huyện Đại Lộc thì thường chọn cách đi bằng đò. Đây là phương tiện chứa đựng sự bất tiện về giao thương và nguy hiểm đến tính mạng.
Công trình có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách trung ương 420 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 155 tỷ đồng). Dự án được triển khai trong 900 ngày do nhà thầu thi công là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, tư vấn giám sát là Liên danh RTC3 – CTES thực hiện.
Phần cầu Văn Ly được thiết kế với quy mô vĩnh cửu, chiều dài 459,5m và nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 8m, dài 460m. Đường dẫn tổng chiều dài 7,78km, gồm nhánh nối vào các tuyến ĐT609B và ĐT609C (các xã Đại Hòa, Đại An của huyện Đại Lộc) dài 3,65km. Nhánh nối vào các tuyến ĐT609 và ĐT605 (xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) dài 4,13km.
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, các hạng mục liên quan đến cầu Vân Ly đang được thi công khẩn trương. Nhiều trụ bê tông cầu đã hình thành và vươn cao trên mặt sông Thu Bồn. Công nhân đã và đang tiếp tục các phần việc liên quan đến bê tông, sắt thép, gia cố hệ thống… của bệ trụ, mố cầu hay kết cấu móng.
Theo kỹ sư Bùi Huy Phú – đơn vị tư vấn giám sát (Liên danh RTC3 – CTES), toàn bộ phần cầu Văn Ly đang được triển khai đúng tiến độ nhưng hệ thống đường dẫn vẫn chưa thể khơi thông. Nhìn chung tổng thể dự án không đạt về mặt tiến độ.
Nguy cơ vỡ tiến độ do vướng mặt bằng
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn qua sông Thu Bồn dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2026, nhưng UBND tỉnh đã quyết định chọn đây là dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Do đó theo kế hoạch của chủ đầu tư, công trình phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 9/2025.
Kỹ sư Đào Hồng Ngọc - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho biết phần trên cạn đã hoàn thành mố M1 và M2; các trụ T1, T5, T6, T7 và T8; đã thi công 3 nhánh tuyến đường công vụ, mô nhô phục vụ thi công các mố cầu, trụ cầu; xong khoan cọc nhồi D100, nối cọc để làm bệ móng sàn đạo. Phần thi công dưới nước gồm 3 trụ T2, T3 và T4; xong toàn bộ cọc khoan nhồi các trụ T2, T3, và T4…
Theo ông Ngọc, dự án đang triển khai 3 mũi thi công chính với tổng cộng hơn 60 nhân sự. Cuối tháng 6 này sẽ tiếp tục tăng cường thêm một mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên dự án vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công tuyến đường dẫn. Đặc biệt, đường dẫn thuộc xã Điện Hồng có 3 cây cầu nhỏ cần nhiều thời gian để thi công, song mặt bằng còn vướng.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết công tác giải phóng mặt bằng đang triển khai rất chậm. Trong tháng 4/2024, huyện Đại Lộc mới thực hiện kiểm đếm và họp xét nguồn gốc đất cho từng thôn bị ảnh hưởng. Hiện vướng các hộ dân dồn điền đổi thửa trước đây chưa được UBND xã Đại Hoà lập phương án. Do đó địa phương phải phải tập trung công tác hồ sơ, tổ chức xét nguồn gốc đất.
Đối với thị xã Điện Bàn đã bàn giao tạm mặt bằng phần cầu Văn Ly; đã có phê duyệt hồ sơ trích đo địa chính, đang thực hiện các thủ tục thu hồi đất; đang tiến hành lập hồ sơ phương án di dời hệ thống điện trung thế, trạm biến áp, điện chiếu sáng phía xã Điện Quang. Ngoài ra, địa phương tập trung hoàn thiện khu dân cư mới Thanh An để phục vụ công tác tái định cư cho dự án.
Trước việc chậm trễ, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết đã yêu cầu các đơn vị có chuyên môn đẩy nhanh tiến độ và sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 7/2024 sẽ tiến hành họp dân công bố quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng cá nhân.
Đứng trước thực trạng thiếu mặt bằng thi công, dự án 575 tỷ đồng có nguy cơ vỡ tiến độ. Phần cầu Vân Ly có thể hợp long vào cuối năm 2024 nhưng hệ thống đường dẫn hai bờ khó hoàn thành.