Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án hoàn thổ 8,9ha ở Quảng Nam có nhiều bất cập khi thực hiện

Quang Hải - Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Liên quan đến công tác hoàn thổ tại mỏ đất đồi Châu Mỹ (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), hiện đang có tình trạng chồng lấn khối lượng công việc giữa các đơn vị thi công.

Sử dụng tiền ký quỹ để hoàn thổ

Như Kinh tế & Đô thị đã phản ánh vào ngày 7/3, để thực hiện thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn từ năm 2013 đến 2017, mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình đã được cơ quan chức năng cấp phép khai thác đối với Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam.

Dù doanh nghiệp này sau đó đã thực hiện việc khai thác đất đúng theo quy định. Tuy nhiên, trước khi hết Giấy phép khai thác, cũng là trước khi dự án cao tốc nói trên đưa vào hoạt động (từ năm 2018) thì doanh nghiệp đã rời khỏi địa phương. Hiện trường dự án là khu vực rộng lớn khai thác đất bị múc tơi bời, để lại nhiều mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét.

Sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, công tác hoàn thổ tại mỏ đất đồi Châu Mỹ đang được thực hiện. Đây là hành động rất cần thiết của chính quyền địa phương nhằm trả lại mặt bằng sạch cho người dân.
Sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, công tác hoàn thổ tại mỏ đất đồi Châu Mỹ đang được thực hiện. Đây là hành động rất cần thiết của chính quyền địa phương nhằm trả lại mặt bằng sạch cho người dân.

Nhằm giải quyết thực trạng trên, UBND xã Bình Quý sau đó đã triển khai tìm kiếm nhà thầu để thực hiện dự án hoàn thổ này. Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần 19-5 đã trúng thầu công trình đóng cửa mỏ khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình với số tiền gần 1.6 tỷ đồng. Dự án được quyết định thực hiện trong vòng 45 ngày.

Được biết, ngân sách dùng để thực hiện việc hoàn thổ được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo môi trường của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam đã đóng trước đó. UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho phép và hướng dẫn vào tháng 10/2018. Thực hiện chỉ đạo, UBND huyện Thăng Bình cũng đã yêu cầu UBND xã Bình Quý sử dụng số tiền 1.8 tỷ để lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện đề án đóng mỏ vào tháng 1/2019.

Theo ông Đặng Tấn Dục – Chủ tịch UBND xã Bình Quý, việc tìm kiếm nhà đầu thực hiện dự án không hề đơn giản bởi số tiền tương đối khiêm tốn so với một dự án hoàn thổ có diện tích lớn, địa hình phức tạp. Vì vậy lãnh đạo địa phương đã phối hợp, lắng nghe những chỉ đạo, tham mưu của phòng Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo đúng về tiêu chuẩn và khối lượng.

Ông Dục cho biết dự án sau khi khai thác đã để quá lâu nên tạo ra sự bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường. Do đó công tác hoàn thổ cần thực hiện nhanh và đúng quy trình để đảm bảo chất lượng. Hiện đơn vị trúng thầu đã có những động thái triển khai cụ thể và đáp ứng được những khối lượng công việc đầu tiên.

Chồng lấn khối lượng khi thực hiện

Công ty cổ phần 19-5 bắt đầu triển khai thi công đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường vào ngày 12/4. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đơn vị này hiện đã đào đắp, san gạt, tạo mặt bằng sơ bộ khoảng 6 vị trí hố sâu. Tổng cộng có 11 vị trí hố sâu với diện tích khu vực mỏ cần hoàn thổ là 8,9ha.

Tuy nhiên, UBND xã Bình Quý đang gặp trở ngại trong việc kiểm tra và giám sát bởi các đơn vị hoàn thổ đang chồng lấn khối lượng.
Tuy nhiên, UBND xã Bình Quý đang gặp trở ngại trong việc kiểm tra và giám sát bởi các đơn vị hoàn thổ đang chồng lấn khối lượng.

Nhưng trước đó, vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo số 236/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, thống nhất chủ trương cho Ban Quản lý dự án 4 (Chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700) chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp với UBND huyện Thăng Bình đổ vật chất thừa trong quá trình thi công vào khu vực mỏ đất Châu Mỹ, xã Bình Quý. Nhà thầu thi công tính đến nay cơ bản đã đổ thải được khoảng 10 vị trí hố sâu.

Theo báo cáo của UBND xã Bình Quý gửi phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thăng Bình, nhà thầu thi công đường 14E và Công ty cổ phần 19-5 đang triển khai thực hiện nhưng khối lượng đất san lấp đang chồng lấn lẫn nhau, chưa có phương pháp xác định khối lượng rõ ràng giữa hai bên. Đại diện Ban quản lý dự án 4 và nhà thầu thi công dự án đường 14E đề nghị UBND xã Bình Quý trừ diện tích 2.1ha đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép đổ thải; Công ty cổ phần 19-5 hoàn thổ 6.8ha còn lại để có cơ sở sau này nghiệm thu hoàn thành công trình.

Tuy nhiên, UBND xã Bình Quý cho biết Ban Quản lý dự án 4 chưa cung cấp hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan của cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra cũng như văn bản cho phép đổ thải tại vị trí nêu trên. Do đó việc các bên triển khai thi công hoàn thổ cùng một thời điểm sẽ khiến địa phương khó quản lý, giám sát, theo dõi.

Theo ông Cao Ngọc Sang – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thăng Bình, việc xác định khối lượng và vị trí từng đơn vị thực hiện nhiệm vụ hoàn thổ rất quan trọng, bởi liên quan đến công tác nghiệm thu sau khi hoàn thành. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đã có chỉ đạo và hướng dẫn để các phòng ban thực hiện.

Cụ thể, UBND xã Bình Quý với vai trò chủ đầu tư sẽ cùng với phòng Tài nguyên và Môi trường mời các bên có liên quan đi thực tế và họp xác định từng hạng mục rõ ràng. Sau đó, Ban Quản lý dự án 4 và Công ty cổ phần 19-5 sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.