Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án hạ tầng giao thông hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Giá trị phát triển về kinh tế - xã hội giúp các dự án hạ tầng trở thành một trong những điểm hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng, song Nhà nước mới chỉ cân đối được khoảng 30,6%. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng huy động vốn tư nhân vẫn là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và giảm áp lực cho ngân sách.
BOT vẫn còn sức hút với tư nhân
Tuy vẫn còn bất cập nhưng một số dự án BOT, đặc biệt là đường cao tốc, đã được dự báo đem lại hiệu ứng tích cực, góp phần phát triển KT-XH. Điển hình, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã có 30,5 triệu lượt xe đi qua chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác kể từ 21/9/2014. Sự cố hỏng cầu Ngòi Thủ trên tuyến cao tốc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai. UBND tỉnh ước tính thiệt hại khoảng 225 tỷ đồng/ngày.
Ví dụ trên phần nào cho thấy vai trò phát triển KT-XH của đường cao tốc. Bởi vậy, đầu tư cho những dự án trọng điểm như cầu Bạch Đằng (kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua.
 Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thông xe từ 1/9.
Hiệu quả của các tuyến cao tốc này sẽ được chứng minh bằng những con số cụ thể trong thời gian tới. Nhưng khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, thời gian chạy xe thực tế từ Hà Nội đến thành phố biển chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3,5 giờ như trước. Đây là một minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của công trình trên.
Đặc biệt, khi lĩnh vực hàng không mới chỉ manh nha một vài dự án BOT đầu tư vào hạng mục nhà ga, Tập đoàn Sun Group đã xây mới Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, chuẩn bị khai thác đầu năm 2019.
 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khai thác vào cuối năm nay. Đầu tư BOT theo cách mới.
Theo tính toán của Bộ GTVT, nguồn vốn cân đối mới đáp ứng 30,6% nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, vốn ngân sách Nhà nước lại khó khăn, khả năng kêu gọi huy động vốn ODA cũng hạn chế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Chính phủ đang xây dựng luật PPP. Luật PPP được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho đầu tư PPP, xóa bỏ các tồn tại. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia.
Trong khi chờ luật, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 52 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 20 về chủ trương đầu tư dự án xây một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Hai nghị quyết đã tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách quan trọng để thực hiện đầu tư 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có 8 dự án BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng.
 Cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT.
Toàn bộ dự án BOT sẽ được thực hiện với tuyến đường mới hoàn toàn, không nâng cấp, cải tạo đường cũ hay thu phí theo km thực đi. Để tuyển chọn nhà đầu tư có năng lực, nghị quyết quy định nhà đầu tư phải có 20% vốn chủ sở hữu (cao hơn mức 15% như trước đây). 
Nghị quyết cũng quy định sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng dự án, nếu nhà đầu tư không ký được hợp đồng vay vốn với ngân hàng để triển khai thì nhà nước sẽ tịch thu. Đồng thời để minh bạch, tuyển chọn được nhà đầu tư có năng lực, toàn bộ dự án đều đấu thầu, không chỉ định thầu. Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo khả thi, lập thiết kế kỹ thuật dự án, đưa ra dự toán rồi đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. Nhà nước chỉ kiểm soát chất lượng.
“Đấu thầu chọn nhà đầu tư dựa trên dự toán thiết kế kỹ thuật, khung giá dịch vụ thì về nguyên tắc, nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhất, thời gian thu phí ngắn nhất sẽ trúng thầu và chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Tuy vậy vẫn cần luật hóa, thống nhất các quy định pháp lý từ đầu, khi nhà đầu tư chấp nhận đề bài, ký hợp đồng thì không nên ép họ điều chỉnh về giá, thời gian thu phí trong giai đoạn khai thác”, ông Trần Quốc Việt - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, nhận định.
“Chúng ta không nên can thiệp sâu mà hãy để thị trường quyết định. Nếu đấu thầu không thành công thì xem lại mức hỗ trợ của Nhà nước. Đây là điều tiết của thị trường, sự mặc cả của hai bên để đạt được sự thống nhất nên phải tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút nhà đầu tư để họ tiếp tục tham gia đấu thầi”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) chia sẻ cách làm mới trong đầu tư BOT giao thông.