Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án nút giao thông Ô Chợ Dừa: Đã có sự đồng thuận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, những thông tin về dự án nút giao thông Ô Chợ Dừa đã gây sự chú ý của dư luận với nhiều luồng quan điểm khác nhau. Dư luận có lúc đã tạo nên cảm giác về sự bế tắc trong việc lựa chọn phương án thiết kế.

Tuy nhiên, tại Hội nghị tham gia ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 5/6, dự án này đã nhận được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực… Các ý kiến đều thống nhất, phương án xây dựng cầu cần được tiếp tục hoàn chỉnh nhưng một điều không thể khác là dự án cần phải được nhanh chóng triển khai.

5 tiêu chí và sự đồng thuận

Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, từ các kết quả nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và công luận trong thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án hoàn thiện phương án giao thông trên cơ sở 5 tiêu chí: Phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; Bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Bảo đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; Hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; Cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Chủ tịch đánh giá, các phương án đề xuất đã cơ bản đảm bảo các tiêu chí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, UBND TP và chủ đầu tư, các sở, ngành chức năng tiếp tục tiếp thu ý kiến để cân nhắc, hoàn chỉnh phương án một cách khoa học. Đây là hội nghị quan trọng nhằm phát huy trí tuệ của các nhà chuyên môn, nhà khoa học để tìm ra phương án tối ưu, tạo sự đồng thuận cao. Phương án sau khi hoàn thiện, tiếp thu ý kiến chuyên gia sẽ được đưa ra lấy ý kiến của người dân 4 phường nằm trong khu vực dự án trước khi trình Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ VHTT&DL.  

Dự án nút giao thông Ô Chợ Dừa: Đã có sự đồng thuận - Ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Giang

Các tiêu chí mà Hà Nội đặt ra đối với việc lên phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các chuyên gia tham hội thảo cũng như lãnh đạo của Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL, Bộ GTVT. Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho biết, đã có sự đồng thuận cao của các đại biểu tham gia hội nghị này. Ông Quốc đặt câu hỏi, tại sao Hội Di sản không vào cuộc ngay từ đầu? Nếu có sự chủ động ngay từ đầu sẽ không có những xung đột về dư luận. Ông Quốc phân tích thêm, mỗi lĩnh vực chuyên môn có "lợi ích" khác nhau vì vậy cần phải hài hòa. Câu chuyện cách đây 6 năm tại khu vực khai quật Đàn Xã Tắc cũng là giải quyết hài hòa của các vấn đề. Chúng ta tự hào là TP ngàn năm văn hiến song nhu cầu phát triển ngày nay lớn hơn, cần có quy hoạch khảo cổ làm cơ sở, tạo sự đồng thuận. Dù giải pháp nào đi chăng nữa thì có được sự đồng thuận là vấn đề căn bản.

Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến về nút giao thông Ô Chợ Dừa, các nhà khoa học đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu để thảo luận tại hội nghị này, nhưng với các tiêu chí mà UBND TP đã xác định cho thấy, TP đánh giá cao giá trị của Đàn Xã Tắc nên chúng tôi cũng đồng thuận.

Cần phải làm nhanh

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều có chung quan điểm, dù chưa có phương án nào hoàn chỉnh, cần tiếp thu ý kiến để hoàn thiện nhưng yêu cầu thực tế về giao thông trong khu vực đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng triển khai dự án. TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, việc xây dựng nút Ô Chợ Dừa là nút giao khác cốt đã được xác định từ 15 năm trước với sự trao đổi, thống nhất của đa ngành và có ý kiến tham gia của cộng đồng. Hiện tại việc liên thông tuyến Vành đai 1 và hoàn thiện nút giao đã trở nên yêu cầu cấp bách.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho rằng, chắc chắn phải làm cầu vượt qua đây vì nhu cầu rất bức thiết. Đây là ngã 7 nên cực kỳ phức tạp nhưng kết hợp với bảo tồn tốt nhất trong điều kiện có thể. Phương án 3 và 4 chấp nhận được, cơ bản không động chạm tới khu lõi, tuy nhiên cũng có khả năng một móng cầu có thể chạm vào di tích, trong quá trình làm sẽ phải khai quật để xác định. Còn theo phân tích của Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín, với hiện trạng như thế này, phân tích 6 phương án đã được đơn vị tư vấn trình bày, phương án 4 (thực chất là phương án 3A), là phương án tốt nhất, giữ được vùng lõi của di tích Đàn Xã Tắc đã phát hiện và định vị. Đảm bảo tiêu chí bảo tồn di tích, hài hòa. Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, phương án 3 và phương án 4 giống nhau về hướng tuyến chính, cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện. Ông Chính lưu ý, muốn đẹp phải có thiết kế kiến trúc khu vực sau khi giải tỏa. Đừng để như đường Xã Đàn, kiến trúc, màu sắc công trình lộn xộn, rất xấu.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam Trần Ngọc Long cũng đồng tình với phương án 3 và 4 nhưng lưu ý cần phải hoàn chỉnh, kết hợp hai phương án. Một số ý kiến lo ngại, với thiết kế như hiện nay của phương án 4 dù có nhiêu ưu điểm nhưng phần "nhìn" lại có phần phản cảm.

Theo GS Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, vấn đề day dứt nhất của lãnh đạo đô thị là phát triển đô thị bền vững, làm thế nào để người dân có cuộc sống tốt hơn, làm sao để con cháu chúng ta không trách cứ, không quay lưng với lịch sử. Không thể thờ ơ với việc người dân ngày nào cũng phải chịu đựng với ách tắc.

Tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, UBND TP Hà Nội luôn mong được đón nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có được một giải pháp kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với phát triển cho dự án xây dựng nút giao Ô Chợ Dừa. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng các công trình, dự án có liên quan đến các di sản văn hóa cần được bảo tồn trên địa bàn TP Hà Nội. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá cao hai phương án 3 và 4 nhưng cũng yêu cầu cần phải kết hợp và hoàn thiện, Chủ tịch chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu và hoàn thiện phương án.

Khi đã mở Vành đai 1 thì phương tiện giao thông lại được phân bổ về khu vực này tăng lên rất nhanh. Vì thế, việc xây dựng nút cần phải làm ngay cùng với các dự án thông đường Vành đai 1. Đây là lý do khiến dự án này là một trong các dự án trọng điểm của TP đến năm 2015.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Đàn Xã Tắc là di tích cần được bảo tồn tốt nhất trong điều kiện của địa phương. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu đó, UBND TP Hà Nội đã quyết định 5 tiêu chí và nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia. Chủ tịch nhấn mạnh, nút giao Ô Chợ Dừa không phải là cầu vượt tạm mà là nút giao khác mức xây kiên cố theo đúng quy hoạch.

Phương án 3

Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng).

Phương án 3 phù hợp với quy hoạch, cầu đi lệch về phía Nam nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu lưu thông, khoảng cách với nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu. Tuy nhiên, phương án này giải quyết được yêu cầu về ưu tiên bảo tồn Đàn Xã Tắc.

Phương án 4

Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng) có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1.

Phương án 4 kế thừa ưu điểm của phương án 3, khắc phục được hạn chế về giao thông, không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, cải thiện được không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông có khó khăn do cầu cong.