Tín hiệu tích cực
Thống kê của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vào cuối năm 2020 cho thấy, cả nước mới có gần 1 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Đây là con số quá thấp so với tổng số hơn 3,5 triệu ô tô đang lưu hành trên cả nước. Điều đáng nói, trong số phương tiện đã dán thẻ ETC chỉ có khoảng gần 50% phương tiện đã dán thẻ thường xuyên sử dụng dịch vụ ETC. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu lượng phương tiện dán thẻ ETC và sử dụng dịch vụ thu phí tự động vẫn thấp như vậy thì những cố gắng của Bộ GTVT cùng các cơ quan, ban ngành để đưa dự án về đích sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Chính bởi lượng phương tiện dán và sử dụng ETC quá thấp khiến nhiều trạm thu phí, dù đã lắp đặt thu phí tự động nhưng làn thu phí này thưa vắng xe một cách đáng sợ. Thậm chí, ngay cả khi lượng phương tiện lưu thông qua các trạm thu phí tăng đột biến vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021 thì làn ETC vẫn thưa thớt. Tuy nhiên, mối lo ngại về sự thờ ơ của chủ phương tiện với thu phí tự động không dừng đã dần được gỡ bỏ chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 2021. Thông tin mới nhất của Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2021, lượng xe ô tô được dán thẻ trả phí đường bộ tự động trên cả nước đạt 1.021.500 xe. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2021, cả nước đã ghi nhận tới gần 137.300 xe dán thẻ ETC mới. Đây là con số gia tăng đột biến so với sự ì ạch của nhiều tháng trước đó.Lý giải cho sự thay đổi lớn này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc có thêm thẻ trả phí đường bộ tự động ePass của Vietel vào cuối năm 2020 đã giúp chủ phương tiện có thêm sự lựa chọn cùng với thẻ E-tag của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cung cấp từ năm 2016 chính là lý do giúp số lượng phương tiện dán thẻ ETC tăng đột biến trong thời gian qua.Tiến tới xóa sổ làn thu phí thủ côngTheo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong tháng 1/2021, số thẻ ePass được gắn lên xe nhiều gấp đôi so với thẻ VETC và gấp 5 lần trong tháng 2/2021. Đặc biệt, với việc đơn vị cung cấp thẻ chủ động dán thẻ cho phương tiện tại các địa điểm một cách linh hoạt đã giúp chủ phương tiện thuận lợi và đỡ mất nhiều thời gian hơn so với việc phải đến tận các trung tâm đăng kiểm xe ô tô để dán thẻ như trước.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc lượng phương tiện dán thẻ ETC tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu rất đáng mừng. Đây chính là khởi đầu để từng bước hiện thực hóa những tiện ích vượt trội mà dự án ETC mang lại cho các chủ phương tiện và cả xã hội. “Chính sự thay đổi phương thức dán thẻ ETC đã giúp các chủ phương tiện thuận tiện hơn trong việc dán thẻ. Trước đây, việc triển khai dán thẻ trả phí tự động được đơn vị cung cấp miễn phí tại các trung tâm đăng kiểm hoặc trạm thu phí, trạm dừng nghỉ đường bộ. Còn hiện tại, việc dán thẻ có thể thực hiện ngay tại các địa điểm do đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ chủ động. Rõ ràng, đây là phương thức thuận tiện hơn rất nhiều” – ông Bùi Danh Liên phân tích. Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, sự gia tăng số lượng phương tiện dán thẻ ETC chỉ là bước khởi đầu, muốn dự án thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích vượt trội của ETC. Tiếp đó là từng bước làm giảm dần phạm vi ảnh hưởng của hình thức thu phí thủ công tại các trạm thu phí, cụ thể là tiến tới xóa sổ làn thu phí thủ công để thay vào đó làn ETC.
Chỉ khi ETC được triển khai tại toàn bộ các làn thu phí ở các trạm BOT thì chủ phương tiện mới toàn tâm toàn ý lựa chọn thu phí không dừng, lúc đó dự án mới thật sự phát huy được hết hiệu quả như mong đợi.Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |