Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Đột phá bằng tư duy mới

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có không ít ý kiến từng hồ nghi cho rằng sau khi khởi công, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ ì ạch, chậm chạp như một số dự án giao thông khác.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã duy trì tốt tiến độ, đột phá hoàn toàn so với tư duy cũ.

Không ngừng nghỉ

Với quy mô đầu tư lên đến 85.813 tỷ đồng, kéo dài 112,8km, đi qua 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tạo mọi điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khẩn trương triển khai. Ảnh: Công Phạm
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khẩn trương triển khai. Ảnh: Công Phạm

Xác định rõ vai trò cũng như các vấn đề của dự án, Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng cả hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần chủ động, rốt ráo ngay từ ban đầu. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua) mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân về dự án quan trọng này.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Thường vụ Đảng ủy các quận, huyện liên quan, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác GPMB. Yêu cầu mỗi địa phương xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành GPMB; gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm trễ GPMB, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Nhờ sự quyết liệt đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công ngày 25/6/2023 khi khối lượng GPMB đạt trên 70%, vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu. Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường chia sẻ, sau lễ khởi công cũng có ý kiến cho rằng dự án sẽ khó đạt tiến độ như mong muốn do còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả trong GPMB, lẫn nguồn nguyên vật liệu, công tác thi công thực địa… “Tuy nhiên, quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã lan tỏa đến tất cả đơn vị thực hiện dự án, thể hiện cụ thể bằng hành động không ngừng nghỉ. Đó là một trong những động lực chính để dự án duy trì tốc độ vận hành” - ông Nguyễn Chí Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 29 mũi thi công, bao gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu. Tính đến đầu tháng 11, dự án đã phê duyệt và thu hồi đất được gần 92%; số mộ chí di dời đạt trên 70%. Ban QLDA đã nhận bàn giao 654,094ha, đạt 90,02% khối lượng GPMB. TP đã khởi công, 9/13 khu tái định cư dành cho người dân thuộc diện phải GPMB trong phạm vi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Chưa từng có tiền lệ

Phân tích những động lực, giải pháp đã tạo nên sức bật cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Có những chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP chưa từng thấy tiền lệ. Ví dụ như việc Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan tới dự án phải trong thời gian 24 - 48 giờ; khi phát hành những văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc”.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Hà Nội đã chủ động kêu gọi các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cùng đề xuất với Chính phủ cho thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo, Hà Nội lại tiếp tục đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực tế. Được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội, Chính phủ, sự chủ động đó đã mang lại những kết quả rất thiết thực, tạo nên động lực cụ thể cho từng địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho biết: “Trước đây chưa từng có dự án giao thông nào trên địa bàn Thủ đô đạt được mốc GPMB nhanh với khối lượng lớn như vậy. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã tạo nên một hình mẫu hiện đại khi tách GPMB thành dự án riêng để cho ra kết quả cao bất ngờ”.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá rất cao công tác chuẩn bị nguồn vật liệu cho dự án. Đến nay, hầu như các mỏ vật liệu đã được xác định rõ, bảo đảm khối lượng cung ứng cho thi công, trong khi một số dự án có quy mô còn nhỏ hơn vẫn đang chật vật tìm kiếm nguồn cung đất, cát…

Nguyên Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 12, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, quận Hoàng Mai Trần Văn Bính chia sẻ, không chỉ các cấp ủy, chính quyền từ TP xuống đến phường xã, thôn, tổ nghiêm túc, quyết liệt bám dự án, giải quyết khó khăn, mà người dân cũng được truyền lửa tinh thần, ủng hộ tuyệt đối với dự án. “Sự vào cuộc nghiêm túc, cụ thể của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ lãnh đạo TP, cùng với nhiều cách làm hay, độc đáo đã mang niềm tin đến cho người dân, nhận được sự ủng hộ rất cao trong dư luận xã hội. Có thể nói chưa từng có dự án giao thông nào được “trên thông dưới thoáng” như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô” - ông Trần Văn Bính nói.

Dự kiến trong năm 2023, toàn bộ khối lượng GPMB dự án Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành. Dự án thành phần 3, đường cao tốc thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng sẽ được đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Hà Nội cùng các địa phương liên quan đặt quyết tâm sẽ đưa dự án về đích vào năm 2027. Với những hành động cụ thể, hiệu quả như thời gian qua, có thể khẳng định quyết tâm đó chắc chắn sẽ thành hiện thực.