Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án xây dựng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mắc nhiều lỗi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết luận mà Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố, chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia tư vấn, giám sát, thiết kế, thi công Dự án "Xây dựng trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam" đã vi phạm nhiều quy định của pháp luật trong quản lý, đầu tư xây dựng.

Dự án do Sở GD&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư, xây dựng tại lô đất TH2, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, với tổng diện tích khoảng 50.412m2, quy mô 1.800 học sinh, 45 lớp học cả ngày. Dự án được khởi công năm 2009 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010. Nhà thầu tư vấn thiết kế của dự án là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), nhà thầu giám sát thi công xây dựng là Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng (trường Đại học Kiến trúc).  

 Từ ngày 6/6 - 17/7, Đoàn Thanh tra đã làm việc với Ban Quản lý dự án và các nhà thầu tham gia tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp các nội dung thanh tra. Hàng loạt sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng dự án đã được phát hiện. 

Thuộc dự án, công trình khối nhà trục đa năng, diện tích sàn xây dựng 20.419m2, là công trình cấp đặc biệt phải thực hiện thiết kế 3 bước. Nhưng chủ đầu tư và nhà thầu đã thực hiện thiết kế 2 bước, bỏ qua bước thiết kế kỹ thuật, thực hiện không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005. Với tổng mức đầu tư ban đầu gần 428,96 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư đã lập tổng quyết toán dự án với giá trị hơn 379,7 tỷ đồng, nhưng chưa trình phê duyệt quyết toán. Mặc dù dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng ngày 14/4/2011, song chủ đầu tư chưa có đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án để trình UBND TP là không đúng quy định của Nghị định 03/2008/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Việc Ban Quản lý dự án không quy định nhà thầu mua bảo hiểm và các nhà thầu thi công xây lắp của dự án không mua các loại bảo hiểm là vi phạm quy định của Luật Xây dựng. 

Đặc biệt, các gói thầu số 15, 16 có xuất xứ một số vật liệu chính phần hoàn thiện không rõ ràng; báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu một số gói thầu chưa phù hợp với các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu được duyệt, vi phạm Điều 26 và Điều 29 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP. Đáng chú ý, nhiều gói thầu thay đổi chỉ huy công trường mà không có sự chấp thuận của chủ đầu tư, bố trí người không đúng hồ sơ thầu, cán bộ không có chứng chỉ phù hợp… Về xử lý kinh tế, do công trình đã bàn giao từ tháng 4/2011, tại thời điểm thanh tra đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, Đoàn Thanh tra yêu cầu chủ đầu tư lập lại bảng tổng hợp quyết toán phù hợp với chi phí hợp pháp của dự án, báo cáo Sở Tài chính phê duyệt. Đặc biệt, Đoàn Thanh tra yêu cầu các nhà thầu thi công xây lắp và tư vấn giám sát thi công nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ chính sách của pháp luật hiện hành; khẩn trương khắc phục các tồn tại về quản lý chất lượng của công trình.