KTĐT - Từ giữa 2010 đến nay, hàng loạt chính sách tiếp tục được tung ra trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. IMF đánh giá thị trường phản ứng tích cực với những quyết định này của Chính phủ nhưng vẫn đang trong trạng thái chờ đợi kết quả của việc thực thi.
Trong giả định các chính sách vĩ mô tiếp tục đi đúng hướng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ ở mức khả quan và lạm phát có thể dưới hai con số.
Trong báo cáo vừa đưa ra, IMF nhận định Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ gói kích thích tài chính trị giá khoảng 5% GDP và chương trình nới lỏng tiền tệ. Do đó, GDP vẫn tăng trưởng ở mức 5,3% trong năm 2009 bất chấp sự tụt giảm đáng kể của nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu. Sang 2010, đà tăng trưởng lên con số 6,8% nhờ vào nhu cầu trong và ngoài nước tăng mạnh.
Từ giữa 2010 đến nay, hàng loạt chính sách tiếp tục được tung ra trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. IMF đánh giá thị trường phản ứng tích cực với những quyết định này của Chính phủ nhưng vẫn đang trong trạng thái chờ đợi kết quả của việc thực thi.
Theo đánh giá của IMF, triển vọng tăng trưởng và lạm phát của năm 2011 phụ thuộc rất nhiều vào việc những gói chính sách mới vừa đưa ra nói trên sẽ thành công đến đâu. Nhìn chung, tăng trưởng năm nay sẽ ở mức 6,25% đến 6,3%, trước khi phục hồi về mức 6,8% vào năm 2012.
IMF cũng khuyên rằng Chính phủ nên sẵn sàng các chính sách thắt chặt trong trường hợp cần thiết. Sự thi hành chính sách duy trì liên tục và quyết liệt được kỳ vọng sẽ làm giảm lạm phát, khôi phục lòng tin và củng cố vị trí Việt Nam trên bảng đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Nếu các chính sách kinh tế vĩ mô đi đúng hướng, triển vọng cho năm 2011 rất khả quan, IMF nhận định. Trong dự báo chung về lạm phát, IMF cho rằng lạm phát của Việt Nam năm nay có thể ở mức 13,5%. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà hoạch định thực thi thành công các chính sách kinh tế vĩ mô vừa đưa ra, lạm phát có thể chỉ dừng lại ở một con số là 9,5%, phần báo cáo về Việt Nam của IMF viết.
Trước đó, vào tháng 3/2011, lạm phát nhảy vọt lên mức 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong suốt 24 tháng trước đó và cao hơn so với nhiều nền kinh tế ASEAN khác. Lạm phát cơ bản (chưa tính giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng 9,8% so với cùng kỳ năm.
Bất chấp việc thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức khá hẹp, chỉ gần 3% và nguồn vốn tăng mạnh trong năm 2010, nhìn chung cán cân thanh toán vẫn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt do một lượng tiền lớn chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng IMF ước tính lượng tiền chảy ra này vào khoảng 13,3 tỷ USD (chiếm 12,3% GDP). Con số này chủ yếu nằm ở nhu cầu tích trữ đồng đôla và vàng ngày càng lớn của người dân. Đồng thời, dự trữ ngoại hối giảm xuống còn tương đương khoảng 1,4 tháng nhập khẩu tính đến cuối năm 2010.
Để đưa tỷ giá ngoại hối chính thức về gần với thị trường tự do, Chính phủ quyết định tiếp tục giảm giá tiền đồng thêm 8,5% vào tháng 2/2011. Cùng lúc đó, biên độ giao dịch cũng được điều chỉnh thu hẹp từ + 3% xuống còn + 1%.
Tiếp theo, Chính phủ công bố một loạt các chính sách kiềm chế lạm phát và tăng cung ngoại tệ cho hệ thống tài chính. Trọng tâm của các gói chính sách này là chương trình thắt chặt với mục đích giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%.
Ngoài ra, trong nỗ lực tăng cung ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng có chủ trương cấm kinh doanh vàng miếng tự do và giảm lượng ngoại tệ do các tập đoàn Nhà nước nắm giữ. Hàng loạt kế hoạch kiềm chế chi tiêu công khác cũng được đưa ra, với mục đích giảm thâm hụt tài chính năm 2011.
Cũng trong báo cáo mới của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định châu Á nói chung có thể tăng trưởng 7% trong năm nay. Khu vực này sẽ tiếp tục dẫn đầu đà tăng trưởng toàn cầu trong vòng 2 năm tới bất chấp mối nguy lạm phát, khủng hoảng tại Trung Đông và ảnh hưởng của thảm họa kép tại Nhật Bản. Động lực cho đà tăng trưởng "bứt phá" này là kim ngạch xuất khẩu và nhu cầu nội địa, theo lời ông Anoop Singh, Giám đốc bộ phận châu Á Thái Binh Dương trong báo cáo cập nhật đưa ra hai lần mỗi năm. Trước đó hồi 2010, kinh tế châu Á tăng trưởng 8,3%. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là đầu tàu của khu vực, với tăng trưởng được dự báo lần lượt ở 9,6 và 8,2% năm nay. Còn với Nhật Bản, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2011 từ 1,6 xuống 1,4% sau thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3 khiến 27.000 người chết và mất tích. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiếp tục cảnh báo nguy cơ tăng trưởng quá nóng trong khu vực, với chỉ số lạm phát tăng lên 4,5% trong tháng 2 vừa rồi. Giá nhiên liệu và thực phẩm tiếp tục xu hướng tăng khiến nguy cơ lạm phát càng nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tầng lớp người nghèo. IMF dự đoán tình hình lạm phát sẽ tiếp tục xấu đi trong năm nay, trước khi hạ nhiệt nhẹ vào năm 2012. |