Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Triều Tiên gia tăng bất thường các hoạt động ở bãi thử Punggye-ri, nơi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi đầu năm. Theo đó, hiệu suất vụ thử nghiệm ước tính khoảng 10 kiloton (tương đương 1.000 tấn), gần gấp đôi vụ thử hạt nhân trước đó hồi tháng 1 mà Bình Nhưỡng khẳng định là thử thành công bom nhiệt hạch. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở ở California (Mỹ) cho rằng cơn địa chấn mạnh 5,3 độ Richter ở Triều Tiên hôm 9/9 giải phóng năng lượng ít nhất 20 - 30 kiloton, mức lớn nhất chưa từng có của một thiết bị hạt nhân của Triều Tiên. Phía Triều Tiên sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ thử, đồng thời khẳng định lắp thành công đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. Theo cơ quan truyền thông của Bình Nhưỡng, đây là vụ thử nghiệm lớn chưa từng có nhằm kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước này.
Những động thái của Triều Tiên gần đây, cụ thể là hai vụ thử hạt nhân và vô số đợt phóng tên lửa kể từ đầu năm tới nay dấy lên lo ngại, tham vọng của của nước này đang ngày càng vượt xa tầm dự đoán. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gọi vụ thử là “sự liều lĩnh điên cuồng” và rõ ràng vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ). Trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút với người đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng các hành động hung hăng của Bình Nhưỡng sẽ để lại “hậu quả nghiêm trọng”. Trong khi đó, Tokyo cho biết sẽ xem xét tăng cường những lệnh trừng phạt đơn phương lên Triều Tiên. Giới chức Trung Quốc – đồng minh ngoại giao của Bình Nhưỡng cũng “phản đối kịch liệt” vụ thử lần này. Tờ The Guardian nhận định vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng có thể buộc Washington phải quay trở lại bàn đàm phán, bởi cái giá của việc kiềm chế Bình Nhưỡng cho tới nay là quá cao. Theo Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) – bà Kelsey Davenport, những động thái này cho thấy tiến trình mở rộng kích thước kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang từng bước cải thiện chất lượng tên lửa, sử dụng nhiên liệu rắn để triển khai nhanh chóng, trên phạm vi rộng hơn và theo đó, Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ phải dè chừng mối đe dọa này. Trong khi đó, chuyên gia Lewis còn cho rằng, quy mô và tần suất phóng tên lửa đạn đạo, thử hạt nhân của Triều Tiên gần đây cho thấy những biện pháp phòng vệ của Hàn Quốc, bao gồm triển khai Hệ thống Lá chắn tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ, là không tương xứng. Sự kiện lần này, mặt khác, cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và khuấy động nguy cơ chạm trán giữa lực lượng quân đội các quốc gia. “Sẽ có thêm người Hàn Quốc muốn chế tạo vũ khí hạt nhân và thêm công dân Nhật Bản mong được cấp khả năng tự phòng vệ” - theo Mark Fitzpatrick - Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington nhận định.
Ông Ryoo Yong Gyu - Giám đốc Ban Giám sát Động đất và Núi lửa của Hàn Quốc, chỉ ra địa điểm và mức độ chấn động ghi nhận được sau vụ thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên sáng 9/9. Ảnh: REUTERS |