Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự kiến, các trường đại học không được dạy trực tuyến quá 20% tín chỉ

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến công tác đào tạo trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định các trường đại học được phép triển khai mô hình này, nhưng không được dạy quá 20% tổng tín chỉ trong chương trình.

Mô hình đào tạo trực tuyến đã phát huy giá trị trong đợt dịch bệnh Covid-19.

Dạy học trực tuyến không quá 20% tín chỉ của chương trình đào tạo

Ngày 27/4, Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị này vừa soạn dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học để tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Theo đó, ở nội dung chương trình đào tạo, văn bản quy định, được xây dựng dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ, ngành đào tạo; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT

Ngoài ra, mỗi chương trình đào tạo gắn với một ngành (kiểu đơn ngành) hoặc với một vài ngành (kiểu song ngành, kiểu ngành chính - ngành phụ) và được cấu trúc từ các học phần thuộc hai khối kiến thức: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp; cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo.

Liên quan nội dung đào tạo trực tuyến, dự thảo Thông tư nêu rõ, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo.

Cho phép học cùng lúc 2 chương trình

Cũng ở văn bản này, Bộ GD&ĐT cho phép sinh viên học cùng lúc hai chương trình. Cụ thể, sinh viên được học cùng lúc hai chương trình nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo thứ hai trong năm tuyển sinh và có điểm trung bình tích lũy đạt 2,0 trở lên của học kỳ chính học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình đào tạo thứ nhất;

Sau khi kết thúc học kỳ chính học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình đào tạo thứ nhất, có điểm trung bình tích lũy đạt 2,5 trở lên và đáp ứng điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo; trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới 2,00 và thuộc diện cảnh báo học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, quy định tại khoản 3 Điều 15 của Quy chế này (Tuỳ theo điều kiện đào tạo và các quy định tại Quy chế này, thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành quy định cụ thể về đào tạo chính quy theo hình thức tích luỹ tín chỉ của trường; quy định thời gian tối đa cho mỗi chương trình đào tạo khi tổ chức đào tạo theo hình thức tích luỹ tín chỉ, nhưng không vượt quá hai lần so với thời gian thiết kế cho chương trình đào tạo đó.

Các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học không bị hạn chế thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo); khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất; sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

Thông tư này dự kiến có hiệu lực trong năm 2020.