Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/11, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, tổ chức Lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quản lý du lịch TP Hà Nội.

Lễ khai giảng lớp Bồi dưỡng sáng 22/11.
Lớp nâng cao kiến thức quản lý và phát triển hoạt động du lịch hiệu quả hướng đến các đối tượng là công chức cấp huyện chuyên quản du lịch, cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã có điểm du lịch. 180 học viên, được chia thành 6 lớp, trong đó năm 2019 tổ chức 2 lớp, với 60 người. Đợt I năm nay tổ chức từ ngày 22/11 - 3/12.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019, nhấn mạnh 3 chữ “C” quan trọng trong phát triển nhân lực ngành. Đó là: “Con người, Cơ sở hạ tầng và Chiến lược”. Thủ tướng đặc biệt lưu ý, để du lịch Việt Nam phát triển, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần không thừa - thiếu, số lượng phải đi cùng chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng phát biểu tại lớp Bồi dưỡng.
Trên cơ sở đó, kết hợp với việc thực hiện Quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP, lớp Bồi dưỡng được tổ chức hướng đến 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, đào tạo cán bộ, công chức nắm rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch nói chung và du lịch thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước, đảm bảo dủ phảm chất, năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, đáp ứng đươc các yêu cầu quản lý Nhà nước về du lịch trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội, cũng như của một số địa phương khác trong nước chưa cao, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp. Việc khắc phục những hạn chế này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ sở đào tạo nhân lực.
Thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội: Giai đoạn 2016 - 2019, số lượng lao động trực tiếp ngành du lịch Hà Nội khoảng 90.500 người, chiếm 11% lực lượng lao động toàn ngành du lịch Việt Nam. Số lượng lao động trực tiếp đã qua đào tạo của năm 2016 đạt tỷ lệ 62%, ước năm 2019 đạt tỷ lệ 90%. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo" đặt mục tiêu 100% số lao động trực tiếp trong ngành du lịch Thủ đô được đào tạo nghiệp vụ, kiến thức du lịch vào năm 2020.