Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Du lịch Hà Nội đang được đánh giá là phát triển đúng hướng, đem lại mức tăng trưởng ổn định. Hiện nay, Hà Nội đón khách quốc tế đến từ 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều khách đến từ thị trường có khả năng chi trả cao như: Tây Âu, Đông Bắc Á, Úc, Bắc Mỹ… Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân hơn 10%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 14%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 19,69 triệu lượt khách; khách quốc tế đến Hà Nội là 3,26 triệu lượt khách, bằng chỉ tiêu dự báo cho năm 2020 tại Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, chiếm 40% khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt trên 1,5 triệu lượt người, tăng 39,3% so cùng kỳ. Khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 28% thị phần khách trong tổng lượng khách đi lại giữa các địa phương trong toàn quốc. Hà Nội là trung tâm phân phối khách chủ yếu của vùng phía Bắc, đặc biệt là đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Khoảng 80% khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch; 20% đến vì công việc. Khách quốc tế đến Hà Nội lưu trú theo phương tiện hàng không ngày càng tăng, ngoài ra là phương tiện đường biển, đường bộ. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 15,5%/năm. Năm 2016, doanh thu từ du lịch đạt gần 55.000 tỷ đồng. Còn tính riêng tháng 6/2016, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.530 tỷ đồng tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 15,6% so cùng kỳ. Cũng theo người đứng đầu ngành du lịch Hà Nội, sở dĩ du khách đến Hà Nội có sự tăng trưởng ấn tượng là do thời gian qua, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội đã được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức đầu tư… Theo ông Đỗ Đình Hồng, điều quan trọng nhất để thu hút du khách là Hà Nội phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng cấp điểm đến tại một số điểm di sản văn hóa trên địa bàn; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số rạp của Thủ đô và một số điểm trong khu vực phố cổ...; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây... Và rất nhiều công việc khác để phục vụ và thu hút, cũng như nâng cao mức chi tiêu của du khách khi đến khám phá Hà Nội.