Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội - Lạng Sơn - Bắc Giang: Hợp tác để thu hút khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo các chuyên gia du lịch, việc xây dựng tour liên vùng Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn thu hút khách là điều cần thiết, nhưng muốn làm được điều đó phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác liên kết.

Du lịch Hà Nội - Lạng Sơn - Bắc Giang: Hợp tác để thu hút khách - Ảnh 1

Khách du lịch tại rừng nguyên sinh Khe Rỗ (Bắc Giang).

Nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang, thách thức đầu tiên trong việc liên kết xây dựng tour liên vùng đó là khả năng nội lực của từng địa phương có sự chênh lệch tương đối rõ nét. Thực tế  cho thấy, các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn tuy nhiều nhưng chưa mạnh về tài chính cũng như nhân lực và mức độ ảnh hưởng. Hoạt động kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào doanh nghiệp ngoại tỉnh về nguồn khách du lịch quốc tế; sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng chưa cao.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cũng cảnh báo tour du lịch trên tuyến Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn trong thời gian đầu sẽ chịu sự cạnh tranh của nhiều vùng, miền đã có mối quan hệ liên kết lâu dài có tiềm lực về du lịch. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch 3 tỉnh, thành phải lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng miền, có sức cạnh tranh cao.

Một khó khăn không nhỏ trong việc liên kết xây dựng tour chung cho cả 3 tỉnh, thành phố là hạ tầng cơ sở của du lịch Bắc Giang - Lạng Sơn còn kém phát triển. Nhiều điểm du lịch của Bắc Giang và Lạng Sơn còn nghèo nàn về hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế có mức chi tiêu cao. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực làm du lịch đã qua đào tạo cơ bản còn rất thiếu; Ý thức của một bộ phận dân cư về kinh doanh du lịch chưa cao, thiếu chuyên nghiệp… Điều này gây khó khăn cho việc liên kết phát triển đồng bộ trong du lịch.

Hút khách bằng tour tuyến mới

Để thu hút khách du lịch đến với 3 địa phương, bên cạnh việc xây dựng tour tuyến mới các cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác trong việc xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội đề xuất, với những tài nguyên du lịch độc đáo, Bắc Giang có thể phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa đến với chùa Vĩnh Nghiêm, có lịch sử trên 1000 năm tuổi; Du lịch sinh thái tại rừng Khe Rỗ, Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần... Thông qua những tour này, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội sẽ nối tour cho khách du lịch quốc tế từ Hà Nội lên Bắc Giang. Ngoài ra, du lịch Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bắc Giang, Lạng Sơn trong việc kêu gọi đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch.Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lạng Sơn, du lịch xứ Lạng có thế mạnh về khách Trung Quốc, đây là điều kiện thuận lợi để du lịch Hà Nội - Lạng Sơn liên kết khai thác tour liên vùng. Bên cạnh đó, du lịch Hà Nội nên đẩy mạnh việc tổ chức các tour du lịch tâm linh kết hợp với mua sắm tại Bắc Giang - Lạng Sơn cho khách nội địa.

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch lữ hành đều có chung ý kiến sẽ phối hợp, xúc tiến xây dựng tour du lịch liên vùng Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Trong đó, lấy dân ca quan họ, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) làm điểm nhấn.

Để hoạt động hợp tác thu hút du khách hiệu quả, ngoài việc xây dựng tour liên vùng còn đòi hỏi du lịch 3 tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch của mỗi địa phương, từ đó thu hút đầu tư phát triển du lịch. Hà Nội tăng cường hỗ trợ Bắc Giang và Lạng Sơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. UBND tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn cần đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, đường giao thông, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm du lịch.