15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội

Du lịch Thủ đô mang tầm vóc diện mạo mới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, ngành du lịch Thủ đô đã có những bước tiến đáng kể, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những con số ấn tượng

Thông tin  từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.

Riêng trong năm 2020 và 2021, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, do đó khách du lịch suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa.

Du khách trải nghiệm du lịch xứ Đoài tại Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 - Ba Vì trải nghiệm xanh. Ảnh: Hoài Nam
Du khách trải nghiệm du lịch xứ Đoài tại Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 - Ba Vì trải nghiệm xanh. Ảnh: Hoài Nam

Nhờ đó trong 11 tháng qua, ngành du lịch Thủ đô đã đón 22,6 triệu lượt du khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (vượt chỉ tiêu ước tính cả năm 2023). Khách du lịch nội địa đạt 18,5 triệu lượt, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 84,25 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% với cùng kỳ năm trước.

Việc ngành du lịch đã dần hồi phục đón khách du lịch trong nước và quốc tế nên TP Hà Nội được các tổ chức quốc tế  xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Để có được kết quả này, trong thời gian qua ngành du lịch Thủ đô đã đã khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa qua đó xây dựng 136 khu, điểm du lịch đón khách tham quan, du lịch. Tính đến nay, UBND TP Hà Nội đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp TP.

Du khách quốc tế thăm quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Hoài Nam
Du khách quốc tế thăm quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Hoài Nam

Không chỉ có vậy thông qua việc thu hút vốn đầu tư, du lịch Hà Nội đã có nhiều địa điểm thăm quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần. Cụ thể Khu nghỉ dưỡng Asean Resort; Glory Resort; Khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Tuần Châu – Quốc Oai; Sky Lake and Golf Club Resort, Family Resort, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Cùng với đó, Hà Nội còn có sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch làng cổ, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống như: thăm quan du lịch làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái; Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ,

Có thể nói, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển loại hình sản phẩm du lịch tăng trưởng, phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch tạo nên tầm vóc, diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.

Tạo sản phẩm độc đáo hút khách

Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón 25,5 triệu lượt du khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này các chuyên gia du lịch cho rằng ngành du lịch Thủ đô phải khai thác được những tiềm năng, lợi thế vốn có nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa, xã hội, bản sắc riêng của Thủ đô từ đó tạo sản phẩm độc đáo hút khách.

Du khách dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Du khách dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Hiến kế thu hút du khách chọn Hà Nội làm điểm đến Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, thời gian tới ngành du lịch Thủ đô nên hình thành phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế. Cụ thể xây dựng tour du lịch văn hóa; MICE, nông nghiệp nông thôn, sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, gia tăng các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm.

Thông tin việc du lịch Thủ đô xây dưng những tour độc đáo chỉ riêng Hà Nội có, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới du lịch Thủ đô phối hợp với các ngành xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch TP trong đó tích hợp đầy đủ, chuyên sâu các nội dung liên quan đến quy hoạch du lịch. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm mô hình hợp tác công – tư trong quản lý, vận hành điểm du lịch; Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm Hà Nội.

Diễn tấu chiêng Mường tại Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 - Ba Vì trải nghiệm xanh. Ảnh: Hoài Nam
Diễn tấu chiêng Mường tại Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 - Ba Vì trải nghiệm xanh. Ảnh: Hoài Nam

Trước mắt ngành du lịch Thủ đô sẽ triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích,  làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà  - Mỹ Đức. Đồng thời thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.

Tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin  về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch Hà Nội. Chú trọng số hóa bằng giao diện ảnh 360o và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.

“Bên cạnh hoạt động chuyển đổi số, Sở Du lịch phối hợp với các sở ngành xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch mới, trọng tâm như sản phẩm du lịch đường sông dọc theo tuyến Chương Dương Độ - Cảng Bát Tràng, mở rộng tuyến xe bus 02 tầng đến các điểm du lịch khu vực ngoại thành“ - bà Giang nhấn mạnh.