Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế thời gian qua đã chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh không đóng cửa hoàn toàn mà hoạt động trong trạng thái phù hợp với diễn biến kiểm soát dịch bệnh.
Thích ứng hoạt động
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch địa phương luôn duy trì lượng khách từ 16.000-19.000 người/tháng. Đó là khách nội tỉnh, khách công vụ, chuyên gia, những khách du lịch chọn ở lại Huế sinh sống sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Một số khách sạn nhỏ đóng cửa nhưng những khách sạn 4-5 sao, những khu nghỉ dưỡng ven biển ở huyện Phú Vang, Phú Lộc vẫn hoạt động.
Giám đốc Sở Du lịch Trần Hữu Thùy Giang cho biết, thích ứng theo diễn biến của dịch Covid-19, nhiều khách sạn lớn ven sông Hương ở thành phố Huế chuyển qua kinh doanh phục vụ ẩm thực, đồ uống; những khách sạn vùng ven có đủ điều kiện cũng chuyển qua phục vụ người phải cách ly hoặc giám sát y tế.
Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN) |
Vào những thời điểm dịch diễn biến phức tạp trong cộng đồng, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại có sự điều chỉnh giảm 50% công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú hoặc tạm đóng cửa tham quan di tích.
Những khách sạn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được phép hoạt động phải cam kết thực hiện nghiêm quy định về bộ tiêu chí an toàn khi đón khách và có sự phối hợp giám sát đột xuất của lực lượng chức năng.
Mọi thông tin của khách lưu trú đều được cập nhật trong một phần mềm dữ liệu chung, qua đó giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý khi có yếu tố dịch bệnh xảy ra.
Thừa Thiên-Huế hiện đã mở lại đường bay nội địa. Theo đó, du khách sau khi đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch chung, khi rời Sân bay quốc tế Phú Bài chỉ áp dụng theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Hiện, khoảng 90% trong tổng số gần 7.000 nhân lực phục vụ trực tiếp khối du lịch gồm nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các bảo tàng, tài xế taxi… đã được tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19. Đây là yếu tố quan trọng để ngành du lịch Thừa Thiên-Huế chủ động đón khách nhiều hơn khi việc đi lại trên cả nước được nới lỏng.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trần Hữu Thùy Giang, dịch Covid-19 đang làm thay đổi rất nhiều hành vi lựa chọn sản phẩm du lịch của du khách, đó là đi du lịch theo nhóm nhỏ, về những nơi gần gũi với thiên nhiên không tập trung đông người.
Nắm bắt xu hướng này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều giải pháp để phát triển tiềm năng du lịch đầm phá Tam Giang-Cầu Hai cũng như du lịch ở khu vực miền núi của tỉnh.
Sở Du lịch tỉnh đang xúc tiến xây dựng 2 sản phẩm du lịch OCOP đầu tiên là Khu du lịch A Nôr ở huyện A Lưới và Khu du lịch Ngư Mỹ Thạnh trên khu đầm phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền. Ngành du lịch tỉnh đang hướng vào kích cầu khách du lịch nội tỉnh, khách du lịch đến từ “vùng xanh.”
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, tạo ra những sản phẩm trải nghiệm thú vị cho du khách trên không gian mạng, lập bản đồ 3D các điểm đến, thuyết minh tự động thông qua quét mã QR trên điện thoại thông minh tại những điểm di tích. Đặc biệt là việc chuyển đổi số gắn với quảng bá du lịch nhằm tối ưu hóa quảng cáo các sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh đã làm việc với đại diện các kênh truyền thông, trang mạng xã hội lớn tại Việt Nam như Facebook, Tik tok, Zalo, Youtube… nhằm hỗ trợ lan tỏa hình ảnh du lịch Huế đến với nhiều người.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế Trần Hữu Thùy Giang chia sẻ, thông qua công nghệ và dữ liệu về du khách những nền tảng trên sẽ tập trung quảng bá tối ưu hóa hình ảnh Huế kèm theo sản phẩm du lịch cụ thể.
Chẳng hạn, giới thiệu với du khách thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài,” “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ gắn với những địa điểm cho thuê áo dài, may áo dài, những địa điểm chụp ảnh đẹp với áo dài; giới thiệu những nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ những món ăn cung đình, món ăn chay để du khách trải nghiệm, thưởng thức.
Ngành du lịch tỉnh cũng đang xây dựng chương trình quảng bá di sản, văn hóa của Cố đô Huế ra nước ngoài nhằm chủ động đón đà phục hồi thị trường khách du lịch ngoại quốc khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt.
Sở Du lịch tỉnh phối hợp với Hãng tin CNN của Mỹ triển khai gói quảng bá du lịch kéo dài 8 tuần trong năm 2022, với thời lượng 30 giây trên các chương trình lớn, nền tảng số của CNN hướng vào những thị trường khách trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Hoa Kỳ, Anh, Đài Loan (Trung Quốc).
Cuối năm 2021, thành phố Huế được chọn là nơi diễn ra Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII. Đây là sự kiện văn hóa lớn và cũng là cơ hội để Thừa Thiên-Huế quảng bá, khởi động cho những chương trình phục hồi du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh chuyển đổi số, vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực trong quá trình phục hồi ngành du lịch cũng đang được Thừa Thiên-Huế triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh bình thường mới.
Sở Du lịch đang phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường Cao đẳng du lịch tỉnh mở các lớp đào tạo nghề miễn phí, gắn với những sản phẩm du lịch mới chủ lực của địa phương như đào tạo các đầu bếp nấu và phục vụ các món ăn trong Hoàng cung xưa, những món ăn chay, cách làm du lịch cộng đồng...
Đánh giá về khả năng phục hồi ngành du lịch những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế Trần Hữu Thùy Giang cho rằng, điều này phụ thuộc phần lớn về khả năng kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó là yếu tố thời tiết, bởi hiện nay Thừa Thiên-Huế và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đang bước vào mùa mưa bão./.