KTĐT - Lộn xộn, nâng giá trong mỗi kỳ lễ, Tết hoặc vào "mùa" du lịch cao điểm là câu chuyện dường như "đến hẹn lại lên" của ngành du lịch Việt Nam khi hoạt động kinh doanh vẫn theo kiểu "ăn xổi, ở thì".
Tăng giá vô tội vạ
Phản ánh của nhiều du khách trong dịp nghỉ lễ vừa qua cho thấy, tại hầu hết các điểm du lịch diễn ra những hoạt động văn hóa lớn như Đà Nẵng, Hạ Long, Sapa… đều xảy ra việc các dịch vụ như khách sạn,phương tiện vận chuyển, ăn uống tăng giá gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trên thực tế kiểu kinh doanh chụp giật mỗi khi ngành du lịch bước vào thời kỳ "cao điểm" không phải là điều mới mẻ mặc dù các địa phương đã có những biện pháp răn đe nhưng vẫn không kiểm soát được tình trạng này.
Có tình trạng này là do nhiều điểm du lịch miền Bắc mang tính mùa vụ nên các cơ sở dịch vụ tại các điểm du lịch đa phần là nhỏ lẻ, nhiều khi là người dân quanh vùng nhân mùa du lịch tranh thủ tham gia làm dịch vụ khiến chất lượng dịch vụ kém mà giá cả lại cao. Bên cạnh đó, hầuhầu hết các địa phương chưa chú trọng đến chất lượng và chiều sâu của hoạt động du lịch. Tại nhiều nơi, chính quyền chỉ chú trọng đến việc tổ chức hoạt động khai trương sao cho thật "hoành tráng", nhưng lại không quan tâm đến việc cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi bước vào mùa du lịch mới. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Việc các địa phương đẩy mạnh tổ chức các lễ hội để thu hút khách là điều cần thiết. Nhưng, việc lợi dụng lễ hội để nâng giá dịch vụ bất hợp lý đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của ngành du lịch, đặc biệt trong việc quảng bá hình ảnh Việt
Cần những cái "bắt tay"
Để hạn chế những bất cập này, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch nhất là vào thời kỳ "cao điểm" của mùa du lịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Chính các địa phương cần vào cuộc bằng những hành động thiết thực, trong đó cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để người làm kinh doanh du lịch hiểu, làm ăn chụp giật như thế sẽ không phải là con đường phát triển bền vững. Song song với đó, phải đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Trong đó, có cả phần hỗ trợ người làm du lịch ở thời điểm không phải vào "mùa vụ". Điều này sẽ phần nào hạn chế được tình trạng lộn xộn như hiện nay. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần có những chính sách đầu tư ở quy mô lớn hơn để hấp dẫn khách chi trả cao; Việc tổ chức lễ hội cũng cần hướng tới những lễ hội mang tính truyền thống, chứ không phải sân khấu hóa lễ hội như hiện nay, vừa tốn tiền trong khi hiệu quả không cao.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, ngành du lịch cũng cần tích cực triển khai các hoạt động kiểm soát chất lượng, giá cả dịch vụ, đặc biệt cần có những chế tài xử phạt đủ mạnh đối với các hoạt động kinh doanh nếu tăng giá bất hợp lý. Đây không chỉ là yếu tố nhằm tạo sức cạnh tranh tích cực, hiệu quả của ngành du lịch mà còn thể hiện tính hấp dẫn và sự chuyên nghiệp của ngành du lịch Việt