Hạ viện Anh đã bắt đầu tiến hành thảo luận Dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. |
Trong phiên họp thứ nhất, Chính phủ Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên về các sửa đổi Dự luật Brexit của các nghị sĩ vùng Scotland và xứ Wales. Theo đó trao quyền bỏ phiếu phủ quyết cho các cơ quan có thẩm quyền của Anh đối với mọi thỏa thuận Brexit cuối cùng. Các nghị sĩ cũng đã bỏ phiếu giữ lại điều khoản mở về thổ dân, bãi bỏ Luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 - văn kiện từng đưa Anh gia nhập khối này. Đây là cuộc bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi đầu tiên. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng May được cho là sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong nhiều cuộc bỏ phiếu sửa đổi tiếp theo. Bởi, cũng ngay trong phiên họp đầu tiên, vấn đề Thủ tướng Theresa May muốn đưa thời điểm Anh sẽ rời EU (23 giờ ngày 29/3/2019) ghi cụ thể vào trong Dự luật đã vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ đảng Bảo thủ và các đảng chính trị khác. Họ cho rằng như thế là không dân chủ, ép các nghị sĩ chỉ được phép bỏ phiếu lựa chọn đồng ý hay không, chứ không được phép dừng Brexit, hay đề nghị thảo luận lại những thỏa thuận mà Chính phủ và EU đã thảo luận xong.
Việc bỏ phiếu cho những điểm mấu chốt của Dự luật sẽ diễn ra trong tháng 12, tuy nhiên, những tranh luận trong tháng 11 sẽ làm rõ những vấn đề và sửa đổi gây tranh cãi mà nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ phải thay đổi, nhất là trong vấn đề kinh tế - xã hội. Điển hình như việc mới đây, phía EU đặt ra câu hỏi liệu nước Anh muốn xóa bỏ những quy định và đi theo mô hình kinh tế - xã hội của Mỹ hay tiếp tục duy trì xu thế chủ đạo của châu Âu. Hiện, đa số DN Anh cho biết, họ vẫn muốn thực hiện các quy định của EU về hàng hóa và dịch vụ nhằm duy trì những mối quan hệ thương mại và làm ăn hiện tại. Do vậy, một câu trả lời thỏa đáng từ London rất quan trọng, bởi nó sẽ định hướng cho những cuộc thảo luận về tương lai mối quan hệ giữa nước Anh và EU cũng như các điều kiện để thực hiện quá trình rời bỏ EU của quốc gia này.