Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia: Nếu làm tốt sẽ giảm 50% tai nạn giao thông, bạo lực

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” (PCTHCRB) được Quốc hội thảo luận ngày 23/5 yếu ở nhiều mặt, bác sĩ Trần Tuấn - Trưởng ban điều phối viên của Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) cho biết, đầu tháng 6, NCDs-VN sẽ tiếp tục gửi tới Quốc hội một phiên bản đề nghị chỉnh sửa chi tiết.

 Bác sĩ Trần Tuấn - Trưởng ban điều phối viên của Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) 
Đề xuất sửa các điểm “chốt tử”
Ông có ý kiến gì sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật PCTHCRB ngày 23/5?
- Dự luật PCTHCRB có mục tiêu chung tốt vì nhắm vào PCTHCRB. Nhưng, dự thảo luật trình Quốc hội ngày 23/5/2019 có nội dung, cấu trúc, phương pháp cũng như các điều luật thể hiện yếu hơn rất nhiều so với dự thảo ban đầu được nhóm soạn thảo của Bộ Y tế trình Chính phủ ngày 15/4/2018. Đã có một vài điểm bị bớt đi, đặc biệt là nội dung liên quan đến quảng cáo rượu bia. Trong buổi thảo luận hôm 23/5, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những vấn đề này.
Trước đó, ngày 5/4/2019, NCDs-VN đã có thư kiến nghị gửi lãnh đạo cao nhất của Quốc hội trong đó chỉ ra 3 điểm chốt tử khiến cho toàn bộ dự luật yếu đi. Chúng tôi cũng đề xuất 10 điểm cần phải chỉnh sửa để tạo phiên bản tốt hơn. Trong ngày 5/6/2019 tới đây, NCDs-VN sẽ có một phiên bản chỉnh sửa chi tiết trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để gửi đến các đại biểu QH. NCDs-VN cho là, chỉ trong trường hợp trên 50% những điểm chúng tôi đề xuất được đưa vào dự luật thì QH mới nên thông qua.
Những điểm gì sẽ được NCDs-VN đề xuất gửi tới Quốc hội trong lần tới?
- NCDs-VN đồng ý tên của dự luật vẫn là Luật PCTHCRB. Nhưng trong phạm vi dự luật phải nói rõ: Luật này đề cập đến PCTHCRB và các đồ uống có cồn khác. Bởi vì, bên cạnh rượu bia, trên thị trường ngày càng phát triển các loại đồ uống có chứa cồn (Alcohol) nhưng không lấy tên rượu bia để tránh Luật PCTHCRB. 
 Bia, rượu không thể thiếu trong những bữa liên hoan của người Việt.  Ảnh:  Đình Long
Thuật ngữ sử dụng trong luật phải làm rõ rượu bia và các đồ uống có cồn - sản phẩm tiêu dùng có chứa cồn là chất gây nghiện, ngộ độc cấp tính và bệnh tật mãn tính cho người sử dụng. Và, đồ uống có cồn liên quan đến những tác hại xã hội, nhiều mặt khác như: Tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, tha hóa nhân cách, nghèo khổ và cản trở 13/17 mục tiêu phát triển của đất nước.
Một điểm nữa cũng cần chỉnh sửa trong khái niệm chung là phải có thuật ngữ rất rõ ràng về độ cồn, độ cồn phần trăm trên nhãn sản phẩm tiêu dùng, để mọi người có thể nhìn nhận đó là một tiêu chí đánh giá về mức độ lượng cồn tiêu thụ có trong sản phẩm. Cũng cần có khái niệm về đơn vị cồn tiêu chuẩn, mức tiêu thụ cồn nguy hại là thế nào.
Cấm quảng cáo rượu, bia chứa từ 3% độ cồn
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về quảng cáo rượu, bia. Vậy trong dự luật PCTHCRB nội dung này nên được đưa vào như thế nào?
- NCDs-VN đề nghị bỏ khái niệm cấm quảng cáo đối với sản phẩm có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. Chúng ta nên làm ngay và áp dụng như các nước, chẳng hạn Thụy Điển trước đây có truyền thống uống rượu bia rất mạnh nhưng với kiến thức khoa học kỹ thuật họ đã thay đổi. NCDs-VN kiến nghị: Rượu bia có nồng độ cồn dưới 2,5% thì không cấm quảng cáo. Rượu bia có nồng độ cồn từ 2,5 - 3% bắt đầu giới hạn độ tuổi tiếp xúc. Từ 3% độ cồn trở lên phải được coi là mạnh và kiểm soát hoàn toàn quảng cáo về khung giờ, nội dung phải được duyệt.
Cũng phải thay đổi về khung giờ quảng cáo rượu, bia. Các phương tiện truyền thông của Nhà nước, dùng thuế của dân hoàn toàn không được quảng cáo liên quan đến rượu, bia. Và phải cấm hoàn toàn rượu, bia có từ 3% độ cồn trở lên đối với đối tượng trẻ em vị thành niên. Những môi trường có trẻ vị thành niên như trường học cũng hoàn toàn cấm bán rượu bia.
Thuế rượu, bia phải đi theo mức % độ cồn có trong đồ uống. Rượu, bia từ dưới 2,5% độ cồn được miễn thuế. Nhưng, từ 2,5% đến dưới 3% độ cồn sẽ bị đánh thuế ở mức cơ bản. Từ 3% độ cồn trở lên, cứ tăng thêm 1 độ sẽ bị tính lũy tích thuế.
Rượu, bia và đồ uống có cồn càng cao đồng nghĩa với thuế đánh càng tăng mạnh để ngăn chặn mức độ tiêu dùng phổ biến, từ đó giảm được mức độ nghiện. Kinh phí để lập Quỹ PCTHCRB được trích từ 1 - 2% ở nguồn thuế tiêu thụ rượu, bia. NCDs-VN cũng đề nghị nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu, bia lên đạt mức khuyến cáo của WHO (hiện chúng ta mới đạt 50%).
Nhiều người cho biết, họ không muốn uống rượu, bia. Nhưng khi đi họp lớp, giỗ chạp, đám cưới, sinh nhật lại luôn bị ép uống “không say không về”?
- NCDs-VN nghĩ rằng, trong dự luật có thêm điều: Quyền của công dân được nói “không” với rượu, bia bởi rượu, bia là chất gây ung thư, gây nghiện, có hại cho sức khỏe. Mọi công dân phải được sống trong môi trường không bị can thiệp, đe dọa bởi các tác hại của rượu, bia gây ra.
Tiếp theo đó, trong dự luật phải có câu “Ai vi phạm điều luật này sẽ bị xử phạt tiền ở mức tối đa 50 triệu VND, phải qua lớp đào tạo về quyền công dân và Luật PCTHCRB. Những đối tượng cố tình ép hoặc sử dụng rượu, bia làm phương tiện đầu độc người khác để xâm hại thực thể, xâm hại tình dục sẽ bị phạt 100 triệu VND và phải qua lớp học PCTHCRB, quyền còn người. Thậm chí tử hình nếu ép buộc đối tượng uống rượu rồi hiếp dâm tập thể, bạo lực tập thể, giết người.
Xin cảm ơn ông!