Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Cho vay tiêu dùng: Còn lấn cấn về quy định lãi suất

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Quy định về Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính dự kiến sẽ chính thức ra đời vào đầu năm 2017. Từ nay đến đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp rộng rãi từ công chúng và các bên có liên quan.

Tại TPHCM, trong những năm 2012-2013, tổng dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 8-9%, thì giai đoạn từ năm 2012-2016, dư nợ cho vay tiêu dùng lại tăng trưởng đến 20%/năm, bất chấp các tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Và tính đến tháng 10 năm nay, cho vay tiêu dùng đã chiếm đến 14,7% tổng dư nợ, tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó (năm 2014). Tức là riêng 10 tháng đầu năm 2016, cho vay tiêu dùng tại TPHCM đã tăng 32% so với cuối năm ngoái. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, các tranh chấp xung quanh chuyện công ty tài chính áp lãi suất quá cao cho các khoản vay tiêu dùng mấy năm gần đây đã trở nên ngày một phổ biến hơn và không ít lần gây bức xúc trong xã hội.
 Ảnh minh họa
Trước hiện trạng đó, Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, trong đó có các công ty tài chính - đã nhiều lần ra dự thảo Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính để thu thập ý kiến đa chiều từ công chúng. Đến nay, sau khoảng 2 năm kể từ lúc dự thảo đầu tiên ra đời (năm 2014), các bên liên quan sẽ chịu sự điều chỉnh của quy định mới xem ra vẫn còn khá nhiều băn khoăn.
Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng hiện ở mức quá cao?
Trước hết, theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, lãi suất trên các hợp đồng cho vay tiêu dùng hiện đều tuân thủ đúng pháp luật (Luật Các tổ chức tín dụng). Theo đó, từ tháng 6 năm 2000, các tổ chức tín dụng được tự thỏa thuận lãi suất cho vay tùy theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của người cho vay với người đi vay.
Thứ hai, lãi suất mà các công ty tài chính huy động cho đầu vào (đi vay các ngân hàng thương mại), chưa tính phí quản lý, phí thẩm định khoản vay… đã là 11-12%/năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TPHCM, lạm phát Việt Nam còn lớn cũng là nguyên nhân đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng lên cao. Ngoài ra, vốn của công ty tài chính có thể vay từ ngân hàng thương mại, từ công ty mẹ, v.v… Trong khi đó, người vay tiêu dùng lại thường không có thu nhập ổn định, hiểu biết về sử dụng vốn thấp và đa số là khoản vay nhỏ lẻ. Vì vậy, lãi suất cao là cách để bù đắp cho lãi suất huy động lớn và rủi ro cao.
Do đó, không quá khó hiểu khi lãi suất cho vay các công ty tài chính hiện nay gấp từ 2-3 lần lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty tài chính có lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao, đến 70%, 80%, thậm chí vượt 100%/năm. Đây là điều dù đúng luật nhưng xã hội rất khó chấp nhận.
Tìm quy định lãi suất hợp lý với hoạt động cho vay tiêu dùng
Vậy làm sao để lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trở nên hợp lý, dễ chấp nhận trong mắt người đi vay mà vẫn dung hòa được lợi ích của bên cho vay? Liệu có thể áp dụng Điều 468 của Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13 (hiệu lực từ 01/01/2017) với quy định trần lãi suất cho vay tối đa là 20% vào hoạt động cho vay tiêu dùng được không?
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, không thể áp dụng quy định này của Bộ luật Dân sự vào quan hệ vay mượn của công ty tài chính được vì đây là loại hình doanh nghiệp còn phải chịu sự chi phối của luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng).
Đó cũng chính là lý do mà dự thảo Quy định cho vay tiêu dùng các công ty tài chính lần này có 2 nội dung đáng chú ý. Một là mức lãi suất cho vay tiêu dùng phải được tính theo tỉ lệ %/năm. Hai là công ty tài chính phải ra quy định nội bộ về lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm: Mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng (Điều 16).
Theo đánh giá ban đầu, đây là những điểm xung yếu giúp nhà quản lý thị trường tiền tệ kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay tiêu dùng. Người đi vay cũng có thể có căn cứ nhất định khi so sánh lãi suất các khoản vay tiêu dùng với lãi suất ngân hàng, từ đó phần nào hạn chế được hiện tượng công ty tài chính cho vay với lãi suất quá cao.
Được biết, việc chuyển đổi lãi suất tính theo tháng thành lãi suất tính theo năm không có gì quá khó khăn với công ty tài chính. Tuy nhiên, theo bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và Tuân thủ của Công ty tài chính FE Credit, người vay tiền hiện ít quan tâm đến lãi suất theo năm hay theo tháng, mà chủ yếu muốn biết số tiền phải trả hằng tháng và phải trả trong bao lâu thì hết nợ. Hơn nữa, ngày càng có thêm nhiều công ty tài chính tham gia thị trường cho vay tiêu dùng. Vì vậy, cạnh tranh sẽ khiến cho lãi suất trong nay mai không còn là vấn đề bức xúc nữa.
Vẫn còn vênh nhau giữa dự thảo và thực tế
Những ý kiến ghi nhận được từ giới phân tích và các công ty tài chính cho thấy vẫn còn sự vênh nhau giữa Dự thảo và thực tế nếu quy định lãi suất này được thực hiện. Bởi hiện nay, ở nhiều công ty tài chính, lượng khách hàng tham gia các chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi, có lãi suất 0%/năm chiếm từ 60-80% tổng số khách vay. Vậy mức lãi suất phạt chậm trả tối đa 150% mà Dự thảo quy định xem như vô nghĩa với các khoản vay này.
Đồng tình với phân tích này, TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng Dự thảo cần nghiên cứu thêm, có thể tính số tiền phạt theo một tỉ lệ nào đó trên tổng dư nợ gốc quá hạn.
Quy định về Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính dự kiến sẽ chính thức ra đời vào đầu năm 2017. Từ nay đến đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp rộng rãi từ công chúng và các bên có liên quan.