Điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng
Về điều kiện để phát hành trái phiếu DN ra công chúng, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 2 điều kiện là “có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng” và “ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2”. Tuy nhiên, thực tế các DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm.
Việc có/không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung - cầu. Vì vậy, việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu DN; đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu DN ra công chứng, bao gồm cả trái phiếu của DN đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.
Đối với việc kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên 3 năm, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đánh giá, đây là một khoảng thời gian khá dài và sẽ khiến cho việc chào bán chứng khoán riêng lẻ không còn hấp dẫn nhà đầu tư, hạn chế quyền sở hữu và thực hiện quyền của nhà đầu tư, nhất là khi thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam còn nhiều biến động.
Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì giữ nguyên quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán đối với cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ như quy định hiện hành tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán 2019.
Đề cập tới đề xuất tiêu chí tần suất giao dịch với nhà đầu tư chuyên nghiệp tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, chuyên gia chứng khoán nhận định, điều này có thể tạo rào cản cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu. Theo đó, việc huy động vốn của DN thêm khó, trong bối cảnh thanh khoản thị trường này đang ở mức thấp sau những đổ vỡ xảy ra năm 2022.
Theo dự thảo, điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với cá nhân bổ sung quy định: phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, công ty vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu DN riêng lẻ phải là tổ chức.
Giới đầu tư, phân tích cho rằng, trái phiếu DN phát hành riêng lẻ không phải thị trường dành cho đại chúng. Theo đó, quy định nhà đầu tư tham gia thị trường phải đáp ứng được các điều kiện nhất định là phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất áp tiêu chí tần suất giao dịch để xác định sự chuyên nghiệp còn bất cập. Ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) - cho biết, các quy định liên quan tới nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay mới xác định trên tiêu chí tài sản và giao dịch, chưa yêu cầu về kinh nghiệm và kiến thức.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán
Các hành vi như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa (ATO), hoặc đóng cửa (ATC) thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch, hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự.
Việc đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch là nhu cầu hợp lý của các nhà đầu tư, không thể gọi là thao túng. Do đó phải có quy định cụ thể để xem xét đâu là hành vi thao túng thị trường, đâu là hoạt động giao dịch thông thường của nhà đầu tư.
Dự thảo cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.
Hiện nay, việc đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch, là nhu cầu hợp lý của các nhà đầu tư tham gia giao dịch. Do đó, phải có quy định cụ thể để xem xét đâu là hành vi thao túng thị trường, đâu là hoạt động giao dịch thông thường của nhà đầu tư.
Từ thực tế này giới phân tích đưa 2 đề xuất: thứ nhất phải có quy định cụ thể để có cơ sở xác định hành vi thao túng thị trường, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu và tâm lý của nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường; thứ hai bổ sung quy định về tăng cường giám sát, quy định về trách nhiệm của đơn vị giám sát thị trường, có giải pháp để theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường, chủ động tiếp cận điều tra, đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường.