Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Đừng để “quýt làm cam chịu”

Bài, ảnh: Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Ngày 27/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Các ĐB cho rằng Dự Luật cần xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường; các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường cần bảo đảm đơn giản, thuận tiện, chặt chẽ, đúng pháp luật
Cơ chế bảo vệ hữu hiệu hơn
 Tờ trình về Dự Luật nêu, sau hơn 6 năm thi hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần sửa đổi. Bởi phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật nên không đầy đủ, thiếu đồng bộ với những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và các quy định trong các bộ luật, luật mới ban hành.
 Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.
Cho ý kiến về Dự Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như ý kiến của nhiều ĐB đề nghị Dự Luật cần xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường; các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường cần bảo đảm đơn giản, thuận tiện, chặt chẽ, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc lựa chọn hình thức giải quyết yêu cầu bồi thường, cần nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án hoặc giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định này mới tạo cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nên để cơ quan nào có cán bộ vi phạm thì phải chịu trách nhiệm
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, dư luận đang đặt ra câu chuyện: "Tiền Nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền à?". Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều nước giải bài toán về kinh phí chi trả bồi thường bằng cách lập quỹ từ nguồn thu xử phạt tội phạm. "Người ta không lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều nơi họ xử buôn lậu, ma túy, tham nhũng…, phạt tiền cho vào quỹ để giải quyết bồi thường" - ông Bình nói và cho hay: Thực tiễn các vụ bồi thường trong lĩnh vực hình sự, lâu nay có khó khăn. Cụ thể như mấy vụ án oan sai vừa qua, bồi thường kiểu nào cũng bị phản ứng. Nếu đúng quy định của Luật, Bộ Tài chính yêu cầu phải có chứng từ xác nhận, người được bồi thường không có nhiều giấy tờ để đáp ứng. Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén, thực hiện theo quy định thì dư luận sẽ đặt vấn đề "mười mấy năm mà bồi thường có bấy nhiêu" (sau nhiều lần thương lượng, gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận 4 trong 7 khoản đòi bồi thường, tương đương 2,6 tỷ đồng, nhiều khoản khác hai bên chưa đạt được tiếng nói chung). Ngược lại, nếu vận dụng (để đền bù cao) thì có dư luận sẽ nói sao tiền Nhà nước mất nhiều thế. Trong thực tế khi vận dụng Luật, hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có nhiều khoản không thể chứng cứ hóa được, như thiệt hại về danh dự, tinh thần...
Theo ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), việc quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường chỉ trong 3 năm là quá ngắn, bởi người bị oan sai đã mất mát quá nhiều, có thể thời gian đầu nhận thức không đầy đủ nên chưa khiếu nại, dễ bị thiệt thòi lần hai. Do đó, ĐB đề nghị thời hiệu này có thể kéo dài vô thời hạn, hoặc chí ít phải vài chục năm.
Cho ý kiến về cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm đứng ra bồi thường, ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên thành lập thêm hội đồng, sẽ thêm bộ máy, thêm con người. Bởi sau 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cả nước mới thực hiện được 258 vụ. Vì vậy, nên để cơ quan nào có cán bộ vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm, làm các thủ tục bồi thường. Đồng tình quan điểm này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng “anh nào làm sai, anh đó phải bồi thường”, tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”, phát sinh thêm bộ máy tốn kém. ĐB cũng đề nghị công tác bồi thường phải chuyên nghiệp hơn, không có chuyện thương lượng “bớt một thêm hai”, gây bức xúc thêm cho những người đã bị oan sai.
*Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe, cho ý kiến về Luật Quản lý ngoại thương và Luật Trợ giúp pháp lý.