Đưa bến xe khách liên tỉnh ra ngoài vành đai 3: Hướng đi đúng và bền vững

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đồ án Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Toàn bộ bến xe khách liên tỉnh (XKLT) sẽ được di chuyển và xây dựng mới bên ngoài Vành đai 3.

Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giảm thiểu UTGT cho khu vực trung tâm TP.
Áp lực không nhỏ
Trong những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội tăng rất nhanh, bình quân trên 15%/năm với xe máy và 7 - 8%/năm đối với ô tô; tạo nên áp lực rất lớn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Đặc biệt, mạng lưới giao thông tĩnh trong khu vực nội đô còn rất thiếu và chưa được bố trí phù hợp.

Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đánh giá của đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc thiếu hệ thống bến bãi liên tỉnh, trung tâm tiếp vận dành cho xe khách, xe tải đã dẫn đến tình trạng bến xe, điểm đỗ nằm rải rác khắp trong nội thành. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phương tiện vận tải lưu đậu trên lòng đường, chở hàng hóa kích thước lớn vào trung tâm gây mất ATGT, ách tắc và khó quản lý. Các bến xe khách tại các vị trí tốt đều quá tải khiến cho việc tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh gặp nhiều khó khăn, tổ chức đón trả khách ra vào bến chưa hợp lý, kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài chưa đồng bộ.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Khu vực trung tâm TP ngày trở nên chật chội đông đúc do tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội, thương mại… Thậm chí một số bến xe liên tỉnh - tâm điểm thu hút hoạt động giao thông - hiện cũng tập trung bên trong Vành đai 3 như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, chỗ đỗ, gửi xe, điểm trung chuyển xe buýt phục vụ nhu cầu của người dân và vận tải công cộng còn quá thiếu. Nếu di chuyển các bến XKLT hiện nay ra ngoài Vành đai 3, tận dụng quỹ đất đó cho giao thông tĩnh nội đô sẽ là hướng đi chiến lược, bền vững cho Hà Nội.
Bố trí tại các vành đai giao thông liên vùng
Mới đây, Sở GTVT đã trình UBND TP Hà Nội Đồ án Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó có phương án di dời 4 bến XKLT hiện nay gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm ra ngoài Vành đai 3; xây mới và nâng cấp 7 bến XKLT; 8 bến xe tải và 7 trung tâm tiếp vận trên các trục đường hướng tâm và vành đai giao thông liên vùng.
Theo đó, Hà Nội sẽ xây mới và nâng cấp 7 bến XKLT gồm: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, Phùng, Yên Nghĩa, bến xe phía Nam (Ngọc Hồi), bến xe phía Tây. Dự kiến đến năm 2020, Bến xe Gia Lâm sẽ chuyển đổi thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải công cộng nội đô. Những tuyến XKLT tại đây sẽ điều chuyển về các Bến xe: Cổ Bi, Nội Bài và Bến xe Ngọc Hồi.
Ngoài ra, 8 bến xe tải với tổng diện tích khoảng 99,4ha gồm: Nội Bài, Phù Lỗ, Yên Viên, Trâu Quỳ, Khuyến Lương, Ngũ Hiệp, Hà Đông, Phùng; 7 trung tâm tiếp vận theo Đồ án quy hoạch gồm: Mê Linh, Bắc Hồng, Trung tâm Đông Bắc, Đông, Nam, Tây Nam và Tây sẽ được xây dựng trên cơ sở đảm bảo kết nối luồng tuyến hàng hóa trên các tuyến QL hướng tâm.
Các bến XKLT xây dựng mới sẽ được kết hợp với những điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và nhà ga đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách ra vào khu vực nội đô một cách thuận tiện và đồng bộ.
            Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Đến năm 2025, sẽ chuyển đổi Bến xe Mỹ Đình thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt; những tuyến XKLT tại đây sẽ điều chuyển về các Bến xe: Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và Bến xe Phía Tây. Bến xe Giáp Bát sẽ được chuyển đổi thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt vào năm 2020. Bến xe Nước Ngầm chuyển thành đầu mối giao thông công cộng vào năm 2025. XKLT tại 2 bến này sẽ được đưa về hoạt động tập trung tại các bến: Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa và Ngọc Hồi…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần