Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang tại Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch TP đến năm 2020, diễn ra ngày 8/3.

Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố là những địa điểm không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến du lịch TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết: “TP.HCM là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Hàng năm lượng khách quốc tế đến TP tăng bình quân 8,2%/năm (chiếm khoảng năm 56,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam), doanh thu bình quân tăng 16,4% (chiếm 39% doanh thu du lịch của cả nước), đóng góp bình quân 9% vào tăng trưởng của TP.HCM, cũng như góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP”.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ngành du lịch TP.HCM còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế chưa cao, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của TP chưa tương xứng; năng lực cạnh tranh so với các TP khác trong khu vực còn thấp; quản lý Nhà nước về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả, thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc mang thương hiệu TP.HCM.

Để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước những thách thức của cạnh tranh, hội nhập, ông Tất Thành Cang thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của du lịch TP.HCM như: “Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch còn nhiều bất cập, thể hiện qua việc du khách bị chèo kéo, đeo bám; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; đào tạo, quản lý lực lượng hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn còn bất cập”.

“Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch từ Trung ương tới địa phương còn nhiều hạn chế và bất cập; chưa có chiến lược đồng bộ, dài hạn, chuyên nghiệp để đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch TP; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ; năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển nhanh của thị trường và nhu cầu xã hội. Nhận thức về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế chưa đầy đủ; thiếu liên kết trong đầu tư cho các lĩnh vực then chốt như: Hạ tầng, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch; chưa phát huy đúng vai trò của doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm, khu, tuyến, điểm du lịch”, ông Tất Thành Cang nêu rõ.

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM, dưới góc độ lãnh đạo của một doanh nghiệp có uy tín lớn trong ngành du lịch, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, trước hết cần phải xây dựng được chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.HCM; phát huy được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, cần phải có sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện; cần có sự liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và lĩnh vực du lịch và các ngành khác, phải có được những sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú. Cùng với đó, phải giải quyết triệt để tình trạng “chèo kéo, chặt chém” khách du lịch.

“Mặt khác cơ chế, chính sách phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới”, ông Võ Anh Tài nhấn mạnh.

Nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, đưa du lịch TP.HCM trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì những hạn chế, bất cập được các đại biểu tham dự hội nghị chỉ ra trong thời gian tới cần được giải quyết triệt để, đồng bộ và hiệu quả.