Về lâu dài đòi hỏi các sở công thương trong vùng ĐBSCL phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để xúc tiến việc trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khó khăn trong tiêu thụ Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai công tác liên kết với các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL như An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ… giúp các DN Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, đồng thời tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Năm 2015 ngành công thương Hà Nội đã hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ 105 tấn hành tím, tổ chức một số hội chợ đặc sản vùng miền, qua đó giúp DN đưa lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL về Hà Nội tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) than phiền: Các địa phương ĐBSCL thiếu vắng những DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân. Trong khi các hộ gia đình, HTX trong quá trình sản xuất hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống. Điều này dẫn đến nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển… hoặc tình trạng vụ trước hàng đạt chất lượng tốt nhưng vụ sau lại kém hơn. Thực tế hoạt động kết nối tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân khu vực ĐBSCL thời gian qua cho thấy, các DN cung ứng, phân phối chưa thống nhất được điều kiện về giao nhận hàng hóa, điều khoản thanh toán dẫn đến công tác kết nối gặp khó khăn. Ngoài ra, do khoảng cách xa về địa lý khiến cước phí vận tải tăng cao, khả năng đóng gói, vận tải và bảo quản hạn chế đã làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm địa phương, nhất là đối với hàng nông, thủy sản khi đến với người tiêu dùng Hà Nội. Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Vừa qua, Big C đã hỗ trợ người dân ĐBSCL tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng chi phí vận chuyển, hao hụt quá cao khiến giá bán sản phẩm không rẻ như người tiêu dùng mong muốn. “Giá hành loại 1 tại Sóc Trăng 9.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển đến Hà Nội 2.500 đồng/kg, giá bán là 13.000 đồng trong khi hao hụt thường từ 7 - 10% thì kể cả DN không có lãi cũng khó đủ chi phí bốc dỡ, bao bì, lưu kho” - ông Nguyễn Thái Dũng nêu ví dụ cụ thể. Phối hợp chặt chẽ Những khó khăn trong quá trình tiêu thụ nông sản ĐBSCL cho thấy, muốn ngăn chặn tình trạng nông sản được mùa mất giá đòi hỏi DN 2 miền Nam - Bắc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, qua đó xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội và các DN Thủ đô có chung kiến nghị: Trong quá trình hỗ trợ người dân khu vực ĐBSCL tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành khu vực ĐBSCL cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu; hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP và GlobalGAP nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản. Đặc biệt, ngành công thương ĐBSCL cần song hành với DN, qua đó xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt, các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương. “Hoạt động này sẽ giúp ngành công thương ĐBSCL kêu gọi DN sản xuất và DN phân phối đẩy mạnh hợp tác liên kết, qua đó hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn” - ông Lê Hồng Thăng nêu ý kiến. Nhằm hỗ trợ DN ĐBSCL và Hà Nội hợp tác tiêu thụ sản phẩm, tại Hội nghị Hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và các tỉnh, TP phía Bắc vừa được tổ chức, lãnh đạo TP Hà Nội đã ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Trong đó nêu rõ, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa... Thông qua hoạt động này khuyến khích DN bán lẻ Thủ đô đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản ĐBSCL tại hệ thống phân phối, từ đó hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL ổn định, lâu dài.
Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm tại Hội nghị hợp tác xúc tiến thương mại Hà Nội - ĐBSCL. Ảnh: Hoài Nam |