Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại: Doanh nghiệp không thể tự bơi một mình

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn vào được các siêu thị, hệ thống phân phối của nước ngoài, đòi hỏi sản phẩm phải có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, trong khi đây lại là điểm yếu của hàng Việt.

Siêu thị ngoại “đỡ đầu” hàng Việt
Vài năm gần đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu, châu Á tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam, qua đó quảng bá, kết nối trực tiếp với các chuỗi phân phối quốc tế. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã kết nối đoàn DN Việt Nam với 7 tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon... Từ đó, DN trực tiếp bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.

Người tiêu dùng Nhật Bản mua hàng tại Tuần hàng Việt do HPA tổ chức tại siêu thị AEON Nhật Bản.

Thông tin từ hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cho thấy, năm 2016 Lotte Mart xuất khẩu lượng hàng Việt trị giá 1.300 tỷ đồng và dự kiến năm 2017 sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam Yoon Byung Soo cho biết, không chỉ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc mà Lotte Mart còn đưa hàng Việt sang Trung Quốc, IndonesiaMyanmar. Ngoài Lotte Mart, hầu hết các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam như AEON, Big C cũng đã đẩy mạnh thu mua cá tra, hàng may mặc, giày dép phục vụ xuất khẩu. Riêng năm 2016, Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu và hệ thống siêu thị Big C cũng đưa hàng Việt vào các nước châu Âu với giá trị lên đến vài chục triệu USD.
Không chịu thua kém DN nước ngoài, hệ thống siêu thị Saigon Co.op thông qua đối tác NTUC Fair Price (Singapore) đã xuất khẩu gần 200 container các loại nông sản và một số sản phẩm hàng nhãn riêng Co.opMart sang Singapore. Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức vui mừng cho biết, nhiều mặt hàng Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Singapore.
Không dễ dàng xâm nhập
Mặc dù hàng Việt đã phần nào thâm nhập được vào hệ thống bán lẻ quốc tế, nhưng câu chuyện này không hề đơn giản khi tiêu chí kỹ thuật, VSATTP của đối tác nước ngoài ngày càng khắt khe. Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội Central Group Việt Nam Lê Thị Mai Linh cho biết, dù đơn vị đã tích cực hỗ trợ đưa hàng Việt vào hệ thống Big C toàn cầu nhưng DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ khá bỡ ngỡ với những giấy tờ chứng minh xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định, để hàng hóa Việt xâm nhập và có chỗ đứng tại các siêu thị quốc tế, đòi hỏi DN phải thường xuyên cập nhật những tiêu chí, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường và giá cả phải rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, vấn đề vốn cũng là rào cản đối với các DN trong quá trình đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ quốc tế. Hiện nay, DN bán lẻ quốc tế thường bán hàng trước trả tiền sau, thời gian trả tiền từ 3 - 4 tuần hoặc hơn 3 tháng. Đây là lý do khiến những DN mặc dù đáp ứng tốt các yêu cầu của hệ thống siêu thị nước ngoài nhưng không tham gia vào hệ thống bán lẻ quốc tế.
Những khó khăn này cho thấy, để hàng Việt có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế, nếu để một mình DN tự bơi sẽ rất khó, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách. Trong khi đó, theo Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Phạm Anh Tuấn, các cơ chế, chính sách cho tổ chức, DN còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn là rào cản đối với DN khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới. Do đó, cần xây dựng chính sách thông thoáng, dễ áp dụng vào cuộc sống gắn với giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp DN có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhằm tháo gỡ cho các DN, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc gần hơn với thị trường nước ngoài, qua các kênh siêu thị ngoại.