Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nhạc kịch Broadway đến Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những du học sinh trẻ tuổi đang học ở Mỹ, Singapore và Việt Nam đang hứa hẹn mang đến cho công chúng Việt Nam điều mới lạ trên sân khấu.

  Ây là vở nhạc kịch "Góc phố danh vọng", quy tụ trong đó những trích đoạn nhạc kịch kinh điển Broadway và những ca khúc đang thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế.

Sự chắp vá không tưởng?

Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời vở nhạc kịch, Nguyễn Phi Phi Anh, sinh viên khoa Đạo diễn và Biên kịch (ĐH Hampshire, Mỹ), "chủ xị" của dự án chia sẻ, anh cùng bạn bè đã từng đến "Không gian âm nhạc", "Âm nhạc trên tầng cao" hay gần đây nhất là "Cầm tay mùa hè" và nhận thấy: Chất lượng nghệ thuật có thừa, nhưng cái giá cho một tấm vé vào xem lại không vừa túi tiền của phần lớn người dân. Nhóm bạn trẻ còn cho biết đã từng chứng kiến những show diễn dành cho sinh viên giá rẻ, nhưng lại là sự cẩu thả trong khâu dàn dựng. Cũng có những không gian xinh xắn tại các phòng trà, quán cà phê với những nghệ sĩ nghiệp dư tôn được cả "phần nhìn" lẫn "phần nghe" thì lại chỉ phục vụ được một lượng nhỏ công chúng. "Dường như trong lòng Hà Nội khó có thể tìm được một show diễn bao trọn những yếu tố: ngon - bổ - rẻ" - Đỗ Vũ Diệu Linh, sinh viên trường Nghệ thuật ĐHQG Singapore nói.

Đưa nhạc kịch Broadway đến Việt Nam - Ảnh 1

 

Tổng duyệt  trước ngày công diễn.

 

 

Chính từ những suy nghĩ đó, nhóm sinh viên mà người lớn tuổi nhất sinh năm 1989, đã nung nấu quyết tâm tự tay làm một sản phẩm kịch nghệ và âm nhạc chất lượng dành cho đối tượng bình dân. Sau một năm thai nghén, từ những dòng bản thảo đầu tiên được viết trên giấy, "Góc phố danh vọng" đã ra đời.

Vở nhạc kịch là một chuỗi chương trình âm nhạc và kể chuyện với sự kết hợp thử nghiệm giữa biểu diễn ca nhạc, diễn kịch độc thoại và các màn trình diễn vũ đạo. Kịch bản của chương trình được đầu tư kỹ lưỡng cả về tính giải trí cũng như ý nghĩa xã hội, bao gồm các ca khúc quốc tế đã làm nên tên tuổi Katy Ferry, Britney Spears, Bruno Mar và những trích đoạn nhạc kịch kinh điển như Chicago, Cats hay The Phantom of the Opera. Một điểm đặc biệt nữa, 16 ca khúc nhạc kịch, nhạc quốc tế được sử dụng đều được viết lại hoàn toàn bằng lời Việt. Tất cả được xâu chuỗi trong một câu chuyện cổ tích hiện đại, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc và mang tính giáo dục cao.

Chọn lối đi riêng

Người viết kịch bản và toàn bộ lời Việt cho 16 ca khúc sử dụng trong "Góc phố danh vọng" là chàng trai mới 21 tuổi - Nguyễn Phi Phi Anh. Phi Anh chia sẻ: “Trước đây đã có một số tác giả đưa nhạc kịch nước ngoài đến Việt Nam, nhưng giữ nguyên kịch bản. Số khác thì thay đổi kịch bản, nhưng lại dùng phần nhạc nước ngoài và để lại nhiều chi tiết rất phương Tây. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất khó để công chúng hiểu được câu chuyện và ủng hộ nhạc kịch".

Đó là một trong những lý do chàng trai trẻ quyết tâm Việt hóa nhạc kịch, từ khâu viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, diễn xuất cho tới hoạt cảnh, phông nền. Vì thế, công chúng sẽ được thưởng thức những ca khúc lời Việt chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu và đắm chìm trong những hình ảnh vừa lạ vừa quen.

Do lần đầu tổ chức nên Phi Anh và nhóm bạn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính và nhân sự. Riêng việc thuê dàn âm thanh cũng đã ngốn hàng chục triệu đồng. Chưa kể, với mỗi ca khúc sử dụng, nhóm đều phải trả tiền tác quyền. Việc kêu gọi tài trợ cũng vướng mắc khi nhiều đơn vị thậm chí còn không hiểu rõ nhạc kịch là gì. Dẫu vậy, với sự nhiệt tình và đam mê của một tập thể trẻ cùng sự hỗ trợ của nhiều nghệ sĩ, những khâu chuẩn bị cuối cùng cho vở công diễn đến nay cũng đã sẵn sàng cho đêm diễn vào 20 giờ từ 13 đến 16/8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).  

Khi được hỏi, liệu có mạo hiểm không khi đưa nhạc kịch đến với thị trường còn quá mới mẻ như Việt Nam, Phi Anh tự tin: "Nhóm thực sự không nghĩ sâu xa đến vậy. Bản thân tôi cũng không dám kỳ vọng quá lớn vào sự thành công ngay trong lần đầu công diễn. Tuy nhiên, mọi thứ đều phải có sự khởi đầu, và nhóm tin với sự chuẩn bị chu đáo suốt hơn một năm qua của tập thể mấy chục con người, chí ít cũng có thể mang tới cho công chúng một chương trình đủ hấp dẫn. Quan trọng hơn là một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối với bộ môn nghệ thuật này".