Việc làm sai phạm này diễn ra nhiều ngày và khối lượng san lấp lên tới hàng nghìn mét khối đất đá… Núp chủ trương để làm bậy Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, hồ Gốc Si (diện tích 2,1ha, được Công ty CP Việt Mông giao khoán cho các hộ dân) phục vụ tưới nước cho 12ha đất nông nghiệp của người dân thôn Muỗi. Hiện nay, hồ đã bị đổ hàng nghìn mét khối đất đá lấp đi hàng trăm mét vuông mặt nước. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết: Việc cải tạo hồ Gốc Si nằm trong chủ trương của xã nhằm tích nước phục vụ cho sản xuất. Người đổ đất lấp hồ là ông Lê Quảng Ủy (hộ nhận khoán đất canh tác của Nông trường Việt Mông - nay là Công ty CP Việt Mông). Trước khi triển khai lấp hồ, ông Ủy có lập dự án đầy đủ. Phía xã có văn bản xin ý kiến huyện và huyện cũng chấp thuận, phía Công ty CP Việt Mông cũng đồng ý. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trương Hồng Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Mông lại khẳng định: Công ty không có chủ trương nào cho phép lấp, cải tạo hồ: "Việc xã Yên Bài nói Công ty cho phép lấp hồ là không đúng”.
Vẫn theo ông Huy, ngày 3/6, UBND xã Yên Bài có văn bản gửi Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Ba Vì, đề xuất cải tạo 11 hồ để phục vụ sản xuất vì thời gian qua bị bồi lấp, lắng đọng, làm giảm dung tích chứa nước. Ngày 28/6, Phòng Kinh tế Hạ tầng có Văn bản số 212/PKT trả lời UBND xã Yên Bài. Theo đó, việc cải tạo các hồ phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND TP Hà Nội. Việc cải tạo hồ phải lập dự án trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Nhưng theo tài liệu do ông Huy cung cấp cho thấy, chưa có văn bản của cấp thẩm quyền nào phê duyệt về dự án cải tạo hồ Gốc Si nói riêng và các hồ đập khác trên địa bàn xã Yên Bài nói chung. Tiếp tay cho sai phạm? Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 16/5, UBND xã Yên Bài có văn bản đề nghị Công ty CP Việt Mông tạo điều kiện cho các hộ cải tạo hồ để phục vụ sản xuất (nhưng nguồn tiền cải tạo lại do những hộ nhận khoán bỏ ra). Theo ông Huy, số tiền cải tạo hồ Gốc Si lên tới gần 2 tỷ đồng (sau cải tạo), ngoài việc phục vụ chứa nước, các hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trao đổi với chúng tôi, một người dân thôn Muỗi bức xúc: "Thời buổi này không ai bỏ tiền tỷ ra để làm cho dân như thế. Mục đích của họ là đổ đất cho đường đi quanh hồ rộng thêm và xây dựng nhà cửa trang trại. Việc san lấp hồ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sản xuất của người dân". Ngoài vụ lấp hồ Gốc Si, suối Muỗi cũng bị công khai san lấp. Theo quan sát của phóng viên, lòng suối này đã bị san lấp khoảng 2/3, hình thành một con đường rộng 6 - 7m, dài hàng trăm mét, nối với một trang trại ở phía trong. Biên bản do Xí nghiệp Thủy lợi Sơn Tây lập (ngày 30/6) xác nhận: Dòng suối bị đổ lấp đất ra 2m chiều ngang và dài có 50m, diện tích san lấp chỉ 100m2, người vi phạm là ông Nguyễn Thế Hùng (ở thôn Thanh Vị, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây). Ông Nguyễn Văn Hậu - Trạm trưởng Trạm quản lý hồ Đồng Mô cho biết: Ngay khi phát hiện vi phạm, Trạm đã lập biên bản và yêu cầu ông Hùng phải múc toàn bộ đất đã đổ xuống suối Muỗi, trả lại nguyên trạng trước ngày 15/7; nhưng theo quan sát của chúng tôi, đến nay, mọi chuyện vẫn án binh bất động.
Người dân chỉ cho phóng viên khu vực hồ Gốc Si bị san lấp trái phép. |