Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa rau sắng thành sản phẩm hàng hóa

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa đã giúp cho cây rau sắng - đặc sản của vùng “Nam thiên đệ nhất động” (Hương Sơn, Mỹ Đức) trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Điểm bán rau sắng tại lễ hội chùa Hương 2019.
Rau sắng là loại cây thân gỗ, thường mọc ở khe đất trên các dãy núi đá vôi, ra hoa và lộc non vào mùa Xuân; hoa mọc thành từng chùm từ những mắt ở thân cây được gọi là “râu rồng”, lá non được sử dụng làm rau. Vào đầu mùa, giá của loại rau này đắt ngang ngửa với giá của tôm hùm. Ấy vậy mà nhiều người vẫn bỏ cả triệu đồng ra để mua được cân rau sắng về thưởng thức. Tuy nhiên, vài năm trước không phải ai cũng có thể mua được, bởi rau sắng không được người dân chú trọng canh tác, mà chủ yếu chỉ là những cây mọc tự nhiên trong rừng. Cứ đến mùa thu hoạch (từ tháng 1 - 3 Âm lịch) người dân lại vào rừng để tận thu. Vì thế rau đắt, hiếm và không có hàng để bán.
Nắm bắt được thế mạnh này, vài năm gần đây, xã Hương Sơn đã tích cực quy hoạch các vùng đất rừng để mở rộng diện tích trồng rau sắng gắn với bảo vệ rừng. Hiện, toàn xã Hương Sơn đã có 90 hộ chuyên trồng cây rau sắng, với diện tích 70ha. Quan trọng hơn, đây còn là phương án bảo tồn nguồn gene quý của loại rau đặc sản này.
Năm 2018, xã Hương Sơn đã hoàn thiện thủ tục hành chính để Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau sắng chùa Hương”. Sản phẩm rau sắng chùa Hương có tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch, địa chỉ, chất lượng nên càng chiếm được sự tin dùng của khách hàng. 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn Nguyễn Văn Bắc

Anh Trịnh Văn Phòng, thôn Yến Vỹ hiện đang canh tác 5.000 cây rau sắng 3 năm tuổi cho biết: Rau sắng là loại cây sống dưới tán lá rừng, không thích nghi với các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, rau sắng tuyệt đối an toàn. “Vụ năm nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 2 tạ rau sắng, giá bán trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. So với các cây trồng khác, cây rau sắng vẫn mang lại giá trị kinh tế cao" – anh Phòng chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn Nguyễn Văn Bắc cho biết: Rau sắng là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ trồng rau sắng đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tiềm năng thị trường của loại rau này rất lớn. Bởi mỗi năm, xã Hương Sơn đón trên 1,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế về tham quan, trẩy hội chùa Hương. Ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng đất sơn thủy hữu tình, khi về đây, du khách còn mong muốn được thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng Hương Sơn. Vì thế rau sắng càng có giá trị, được nhiều khách hàng tìm mua.

Để phát triển rau sắng thành một loại cây trồng hàng hóa, chính quyền địa phương đã mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến rau sắng cho người dân. Đặc biệt, mùa lễ hội chùa Hương 2019, Hội Nông dân xã đã xây dựng 4 quầy hàng trong khu vực lễ hội để quảng bá và bán rau sắng cho khách hàng. Đồng thời in 1.000 tem, túi đóng gói có logo cấp cho các hộ trồng rau sắng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng diện tích và liên kết với các siêu thị, nhà hàng lớn để quảng bá, tiêu thụ rau sắng chùa Hương.