Nằm ven Quốc lộ 32, xã Tam Hiệp có điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của làng nghề may mặc, thú nhồi bông. Theo thống kê, toàn xã hiện có 50 hộ đăng ký DN, 650 hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 572 hộ thương mại - dịch vụ và 17 hộ chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa. Sự phát triển ngày một lớn mạnh của ngành hàng may mặc, thú nhồi bông đang thu hút khoảng 4.500 lao động tại địa phương và các khu vực lân cận. Đồng thời, mang lại nguồn thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm may mặc, thú nhồi bông của xã Tam Hiệp hiện đã có mặt trên thị trường cả nước, thâm nhập vào hệ thống bán buôn, bán lẻ từ chợ truyền thống, cho tới siêu thị và trung tâm thương mại. Không chỉ sống khỏe, nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng may mặc, thú nhồi bông còn giúp hàng trăm hộ dân xã Tam Hiệp ngày một trở nên khá giả. Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp Trần Huy Huấn cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tính đến tháng 6/2018 đã đạt khoảng 48 triệu đồng/năm. Con số này đưa xã Tam Hiệp trở thành địa phương có mức thu nhập cao nhất của huyện Phúc Thọ. Đến nay, toàn xã đã có khoảng 400 hộ gia đình có ô tô. Đời sống của người dân xã Tam Hiệp không ngừng được cải thiện và nâng cao...
Ông Huấn cũng cho biết thêm, cơ cấu kinh tế của xã Tam Hiệp đang chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện chiếm tới gần 93%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân tới 17% trong 5 năm trở lại đây.Theo Nghị quyết số 12, huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu xây dựng xã Tam Hiệp trở thành điển hình phát triển làng nghề vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND huyện Phúc Phọ Doãn Trung Tuấn cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục động viên Nhân dân đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làng nghề. Đồng thời, nghiên cứu, thành lập các hội DN làng nghề, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để mở rộng liên danh, liên kết sản xuất.Bên cạnh nhiệm vụ trên, ông Tuấn cũng đề cập tới một vấn đề hết sức nóng hiện nay, đó là việc kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Theo ông Tuấn, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, việc bảo vệ thương hiệu của làng nghề là hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp tới sự thành công của làng nghề về lâu dài. “Hiện, địa phương đang nghiên cứu, xin ý kiến TP chấp thuận việc đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp sản xuất làng nghề tập trung tại xã Tam Hiệp, nhằm giải quyết bài toán mặt bằng sản xuất, cũng như vấn đề an ninh trật tự cho làng nghề năng động này” - ông Tuấn cho hay.