Kinhtedothi - Sáng 12/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và dự toán thu, chi ngân sách (NS) TP Hà Nội năm 2015. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trong năm 2015, TP tiếp tục tập trung cho tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn... TP cũng dành ưu tiên cho SXKD, tăng cường quản lý phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).
Tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường
Trình bày kế hoạch triển khai kế hoạch nhiệm vụ KT - XH năm 2015 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý cho biết, căn cứ vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH, dự toán NS năm 2015 của TP và kế hoạch được giao, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xây dựng các giải pháp điều hành và triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 đã được phê duyệt.
Để đạt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 9 - 9,5%, trong đó, thương mại - dịch vụ 9,8 - 10,5%, công nghiệp - xây dựng 8,7 - 9,0%, nông nghiệp 2 - 2,5%, các cấp, ngành, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc các nội dung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, định kỳ tổ chức gặp gỡ DN để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, có biện pháp tháo gỡ thúc đẩy phát triển SXKD, tạo điều kiện để DN tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Về vấn đề này, đại diện cho các DN Hà Nội, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bày tỏ, hưởng ứng phong trào thi đua của TP, năm 2015, Hapro phấn đấu đạt doanh thu 9.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nộp ngân sách 130 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Hapro, năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng, điều đó đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ trong nước nói chung và của Hà Nội nói riêng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. “Bên cạnh thế mạnh là mảng bán lẻ thị trường trong nước và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, dược liệu…, để giữ được thị phần, Hapro tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, hình thành mối liên kết giữa các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Hapro cũng tập trung giữ vững thị trường tại 70 nước, mở rộng thêm thị trường mới tại một số khu vực, đặc biệt là thị trường Nga, các nước SNG và châu Phi nhằm xây dựng mô hình DN đa ngành với chuyên môn hóa cao. Hapro cũng phấn đấu vượt qua thách thức, khó khăn để phát triển trở thành thương hiệu hàng đầu trong khu vực và quốc tế” - Tổng Giám đốc Hapro chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ SXKD, nhiệm vụ an sinh xã hội cũng được nhiều DN trên địa bàn TP quan tâm với những cam kết: Tăng cường các hoạt động khuyến mại, bình ổn giá; gắn chương trình đưa hàng hóa tiêu dùng về nông thôn, khu, cụm công nghiệp với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh chương trình liên kết kinh tế và cung - cầu hàng hóa, dịch vụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành…
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
Năm 2014, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tổng thu NS trên địa bàn Hà Nội đạt trên130.000 tỷ đồng, vượt 3,1% so với dự toán. Năm 2015, dự toán NS khoảng trên 141.690 tỷ đồng, chi NS địa phương ước 59.072 tỷ đồng. Báo cáo của UBND TP Hà Nội đề ra, đối với dự toán thu, chi NS: Các cấp, ngành, đơn vị thuộc TP thực hiện nghiêm túc các nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NS, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành NS. Phân bổ dự toán chi NS Nhà nước đảm bảo nguyên tắc chi được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn lớn, chi ngoài dự toán. Về chi xây dựng cơ bản, thực hiện cơ chế cấp phát vốn GPMB trong tổng phạm vi nguồn kế hoạch vốn giao cho các dự án này theo tiến độ và phương án được duyệt, không phụ thuộc mức vốn giao của từng dự án, không vượt tổng mức đầu tư của từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, năm 2015, Sở tiếp tục đề xuất, bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa. Quản lý, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động các nguồn lực tài chính thực hiện các dự án nhà tái định cư, các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, dân sinh bức xúc. Ngoài ra, Sở cũng chủ động, triển khai hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng việc nghiên cứu xây dựng các quy hoạch chuyên ngành và các kế hoạch trung và dài hạn phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; triển khai chương trình phát triển nhà ở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, ban hành các cơ chế chính sách và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, công trình giao thông, công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường kiểm tra, duy trì và nâng cấp hệ thống công viên, cây xanh, chiếu sáng…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, năm 2015, nhiệm vụ của TP rất nặng nề, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai thực hiện ngay việc giao chỉ tiêu kế hoạch KT - XH và dự toán thu, chi NS năm 2015 của TP trước ngày 31/12/2014; tiếp tục tập trung chỉ đạo để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 ở mức cao nhất, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NS, giải ngân vốn xây dựng cơ bản…
Chủ tịch UBND TP giao Sở KH&ĐT, Tài chính phối hợp với Văn phòng UBND TP tổng hợp, xây dựng Chương trình công tác trọng tâm triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH và NS năm 2015 của TP, trình UBND TP phê duyệt, ban hành trước ngày 30/1/2015.
Năm 2015 tiếp tục được xác định là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu trước ngày 30/12/2014, các sở, ngành, quận, huyện phải tổng kết việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, đánh giá việc làm được, chưa làm được, những khó khăn, tồn tại, bài học..., trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ năm 2015; gửi báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp và đề xuất UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2015.
Cải cách thủ tục hành chính
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện cải cách hành chính (CCHC), và thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015". Chỉ số CCHC của Hà Nội đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm trước; Chỉ số PCI xếp vị trí thứ 33/63, tăng 18 bậc so với năm trước. Dù đã có nhiều cố gắng, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, không phù hợp, bảo đảm đơn giản hóa TTHC và rút ngắn thời hạn, chi phí của các tổ chức, cá nhân, song Hà Nội cần phải tiếp tục cố gắng rất nhiều.
“Để duy trì, nâng cao Chỉ số CCHC, từng bước nâng cao Chỉ số PCI, UBND TP yêu cầu, từng sở, ngành, đơn vị liên quan phải có kế hoạch khắc phục. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hơn nữa trong tiếp cận các thông tin về đất đai, cải cách TTHC theo hướng rõ thời gian cho từng thủ tục, có đầu mối chịu trách nhiệm từng công việc” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, là một quận mới được thành lập nhưng việc giải quyết TTHC ở đây đã đạt kết quả tốt với 196.216 hồ sơ hành chính các loại, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,06%. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác CCHC: Tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho DN và công dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2014 cho đại diện các đơn vị ngày 12/12. Ảnh: Anh Quý
|
Nỗ lực hết mình để người dân Thủ đô đón Tết yên vui
Đảm bảo “mọi người dân đều có Tết”, các sở, ngành, quận, huyện cần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội: Hỗ trợ, tặng quà, thăm hỏi các đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội...; theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường, chuẩn bị đủ nguồn hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, hoặc tăng giá đột biến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường chống hàng giả, chống buôn lậu, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ; triển khai các biện pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, kiềm chế TNGT, đảm bảo ATGT trước, trong và sau Tết…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo |
Năm 2014, UBND TP đã trình khen thưởng đột xuất cấp Nhà nước 4 đợt, với 748 trường hợp * Báo Kinh tế & Đô thị được tặng Cờ thi đua của TP năm 2014 Trong đó, Chủ tịch nước khen thưởng thành tích cống hiến cho 68 cá nhân (gồm 5 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương Độc lập hạng Ba; 5 Huân chương Lao động hạng Nhất; 25 Huân chương Lao động hạng Nhì; 30 Huân chương Lao động hạng Ba); Đề nghị Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 2.124 bà mẹ; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 3 tập thể, 1 cá nhân, khen thưởng thành tích kháng chiến cho 9 trường hợp...; Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương cho 25 cá nhân hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày; Chiến sĩ Thi đua toàn quốc cho 2 cá nhân; Cờ thi đua xuất sắc cho 25 đơn vị; Bằng khen cho 51 tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Bằng khen cho 1 tập thể hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; Chủ tịch UBND TP khen thưởng thành tích công tác năm, khen thưởng chuyên đề, đột xuất cho 11.286 trường hợp. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), đã có 10 cá nhân được công nhận và vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú"; 12 cá nhân người nước ngoài được vinh danh "Công dân danh dự Thủ đô"; 125 cá nhân thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và các tỉnh, TP được trao tặng danh hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô" và 1.120 cá nhân được công nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp TP…; Các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc TP khen thưởng cho trên 30.000 tập thể, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc trong công tác. |