Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa tinh thần toàn quốc kháng chiến vào xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết “Đưa tinh thần toàn quốc kháng chiến vào xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh”.

Dưới đây là toàn văn bài viết:

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ phải đối phó với cả thù trong, giặc ngoài, đứng trước tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, chủ động xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, chỉ đạo chuẩn bị và lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi vinh quang. Với tinh thần chỉ đạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng ta đã khôn khéo, linh hoạt, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn trong từng thời điểm lịch sử, chủ động giải quyết tốt, hài hòa từng vấn đề trong tổng thể chung. 

Đây cũng là yếu tố căn bản, quan trọng nhất tạo nên những thành công trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước ta sau này.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, một trong những thành tựu quan trọng là đã xây dựng được bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân vững mạnh, phục vụ tốt và đáp ứng yêu cầu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Đảng và Chính phủ đã đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, tác phong, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính quyền; luôn dựa vào sức dân và vì nhân dân; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; chủ động đề ra những chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và có biện pháp phù hợp, hành động quyết liệt, kịp thời; đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bộ máy chính quyền.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Hệ thống bộ máy nhà nước phải không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt sứ mệnh đưa đất nước ta vững bước đi lên, phát triển bền vững và hội nhập thành công. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, trong giai đoạn nào của sự nghiệp cách mạng, tinh thần Toàn quốc kháng chiến và những bài học trong xây dựng bộ máy hành chính nhà nước cần tiếp tục được phát huy. Lời dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” phải là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền nhân dân các cấp vừa làm tốt chức năng quản lý nhà nước về mọi mặt của đời sống xã hội, vừa bảo đảm bộ máy liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” để tập hợp, xây dựng các lực lượng quân và dân ta từ miền ngược đến miền xuôi, không kể già trẻ gái trai, dân tộc, tôn giáo với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tất cả vì độc lập tự do. Đảng ta đã nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước thuộc địa và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta phải tiếp tục xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, vượt qua mọi thử thách đưa đất nước không ngừng phát triển. Đoàn kết cần được biểu hiện cụ thể bằng sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng phải thực sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân với mục tiêu cao nhất vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân, không ngừng đưa đất nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, chúng ta cũng phải dựa vào sức dân và vì nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Tư tưởng lấy dân làm gốc đã trở thành truyền thống xuyên suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế, đồng thời cũng tập trung phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí trong tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính sách, pháp luật, sau Cách mạng tháng Tám, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta gặp vô vàn khó khăn. Các cơ sở sản xuất chưa thể phục hồi; hàng vạn công nhân thất nghiệp; giao thương buôn bán với nước ngoài bị ngừng trệ; hàng hóa trên thị trường khan hiếm; tình hình tài chính rất nguy cập, Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay Pháp… Ngay tại phiên họp đầu tiên (ngày 3/9/1945), Chính phủ lâm thời đã quyết định thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, tập trung tăng gia sản xuất, cứu đói; chống nạn mù chữ; giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ những thói hư tật xấu; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tự do tín ngưỡng và tổ chức Tổng tuyển cử. Đồng thời, có chiến lược, sách lược hết sức mềm dẻo và hiệu quả, với phương châm tránh xung đột, giao thiệp thân thiện; vừa phân hóa kẻ thù, loại bỏ dần các lực lượng có hại, vừa từng bước tạo được thế có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chúng ta đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần đó trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, có chiến lược, sách lược phù hợp, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự hài hòa giữa các mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết trước mắt với căn bản lâu dài trong các lĩnh vực. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại, hội nhập với nhiều hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật thị trường; thực hiện nhất quán ổn định vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện công khai, minh bạch, khuyến khích khởi nghiệp và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện nhất quán quan điểm xuyên suốt, có tính kế thừa sâu sắc là phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân được đặc biệt coi trọng. Đảng bố trí cán bộ, đảng viên phụ trách những cơ quan chủ yếu và tổ chức chi bộ trong các cơ quan hành chính các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, tác phong cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghiêm khắc phê phán thái độ “làm quan cách mạng” của một số cán bộ, Người nhắc nhở “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc  của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân” và “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Đây là một bài học sâu sắc về giáo dục quan điểm phục vụ nhân dân và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Nhận diện tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng, Đảng ta đã coi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ bản lĩnh, có năng lực, tinh thần yêu nước, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm công khai, minh bạch. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái; xử lý nghiêm các sai phạm, không có “vùng cấm” trong công tác xử lý cán bộ sai phạm.
Về tăng cường kỷ luật kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí,Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra. Vì vậy từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào" và "kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí”, “các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức". Kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một quan điểm xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Quan điểm này cần được tiếp tục quán triệt và vận dụng vào thực tiễn hiện nay. Chúng ta phải coi việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách hàng đầu của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp trách nhiệm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng. Tăng cường phòng chống tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật; có cơ chế phù hợp kiểm soát quyền lực. Khuyến khích, khen thưởng kịp thời và bảo đảm an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản công, xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác... Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin truyền thông trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Đảng ta đã giác ngộ, tập hợp được đông đảo những người ưu tú trong các tầng lớp trong xã hội, từ giới trí thức, trung lưu đến cả công chức chế độ cũ và Việt kiều, đưa vào hoạt động, làm việc và phát huy hiệu quả trong bộ máy hành chính các cấp, phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Tinh thần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước hiện nay. Triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI và XII về xây dựng đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cả hệ thống hành chính Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh, năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính quyền. Chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền nhân dân các cấp vững mạnh, vì nhân dân, phục vụ nhân dân; lời nói phải đi đôi với việc làm; quyết liệt hành động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của từng cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống các cơ quan hành chính.
Tám mươi năm đã qua nhưng tinh thần Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục được nghiên cứu, khơi gợi, truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay là nhờ có công lao to lớn và sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ các chiến sỹ cách mạng và đồng chí, đồng bào cả nước. Trong không khí hào hùng của cả nước chào mừng kỷ niệm ngày lễ trọng đại 70 năm toàn quốc kháng chiến, chúng ta càng thấy khâm phục, tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh, khơi dậy ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì Nhân dân. 

Thế hệ chúng ta hôm nay không bao giờ được quên truyền thống và phải phát huy tinh thần cách mạng cao đẹp của các thế hệ đi trước, đặc biệt trong hệ thống hành chính nhà nước cần phải tập trung giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, chuyên nghiệp, có tinh thần cách mạng, có ý chí tiến công, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, thực sự là công bộc của dân theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Chúng ta quyết tâm xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.