Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa văn hóa giao thông vào nền nếp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến ngày 8/12/2015, toàn quốc xảy ra hơn 20.000 vụ TNGT, làm chết 9.000 người, làm bị thương gần 19.000 người...

Khốc liệt chẳng kém chiến tranh

Quá nhiều nỗi đau thương xót khiến gia đình mất người thân, con mất cha, vợ mất chồng. Nhiều đôi trai gái trong ngày cưới vĩnh viễn không bao giờ được hưởng hạnh phúc. Chẳng ít cử nhân vừa nhận bằng tốt nghiệp, thì gặp nạn đã bị tàn phế suốt đời, đâu còn cơ hội làm việc, báo hiếu bố mẹ. Tai nạn khiến người dân lâm vào tình trạng phấp phỏng mỗi khi ra đường, bởi họ có thể là nạn nhân của tình trạng “xe điên” bất cứ lúc nào. Mỗi ngày trôi qua, lại có thêm nhiều gia đình thiếu vắng người thân mà không ít ý kiến thật có lý khi so sánh TNGT ở nước ta thảm khốc chẳng kém gì chiến tranh.
Dừng, đỗ đèn đỏ đúng quy định, góp phần nâng cao văn hóa giao thông cho cộng đồng.  	Ảnh: Hải Linh
Dừng, đỗ đèn đỏ đúng quy định, góp phần nâng cao văn hóa giao thông cho cộng đồng. Ảnh: Hải Linh
Trước thảm họa mang tên TNGT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chia sẻ: “Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp về TNGT. Tai nạn khiến nhiều gia đình ly tán, xã hội bất ổn”. Lời của Phó Thủ tướng gợi cho chúng ta những câu hỏi về một thực trạng nhức nhối vẫn chưa được trả lời thấu đáo, là vì sao tháng nào các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin, cảnh báo về TNGT và nỗi đau nó gây ra, nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa làm vấn nạn này hạ nhiệt? Nhiều chuyên gia còn nhấn mạnh, nước ta có mật độ thông tin tuyên truyền về TNGT cao, nhưng số người chết lại luôn cao hơn số trung bình của thế giới.

Xây dựng nền tảng văn hóa giao thông

Qua thực tế chứng minh, nếu người tham gia giao thông có ý thức hơn, tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông thì đâu có nhiều người phải chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ TNGT đến thế. Bất kể ở đâu dù trên phố phường hay ngoài đại lộ, đều có thể bắt gặp cảnh lộn xộn. Nhiều người thốt lên, cứ ra phố là run bởi luôn gặp cảnh bốn, năm thanh niên đầu trần, ngồi trên một chiếc xe máy vừa chạy ngược chiều vừa đánh võng, lại rú còi ầm ĩ. Hay hình ảnh những cặp vợ chồng chở hàng cồng kềnh, người vợ ngồi vắt vẻo ra phía sau, cảm tưởng chỉ gặp đoạn đường xóc là người vợ ngã ra, rất dễ bị xe phía sau tông phải. Mới đây hình ảnh những người mẹ chở 3 đứa trẻ đi học, nhưng lạng lách ngược chiều; một ông bố chở con nhưng dùng chân điều khiển xe máy được chia sẻ trên mạng xã hội đã cho thấy ngày càng có nhiều người chẳng những coi thường mạng sống của mình, mà còn thiếu tôn trọng người khác.

Là người lo lắng trước văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến, không thể hiểu nổi có những người tham gia giao thông một cách phi lý như thế. Nếu chúng ta chấp hành tốt tín hiệu đèn, đi đúng làn đường, đúng luật thì sẽ giúp cho việc lưu thông thuận lợi hơn trong điều kiện đường sá của chúng ta còn chật hẹp. “Có trường hợp ở Hà Nội đường vắng, tôi dừng trước tín hiệu đèn đỏ, một cậu thanh niên vù tới, thấy bị cản đã lẩm bẩm bảo tôi “hâm”. Đúng là văn hóa giao thông (VHGT), ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người quá kém, thiếu tự trọng, nhất thiết phải khơi thông sự “ùn tắc” ấy!”- GS Nguyễn Minh Thuyết thốt lên.

Trước thực trạng này, Ủy ban ATGT quốc gia - đơn vị có trách nhiệm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu TNGT, cho biết VHGT chính là nền tảng để tạo nên một trật tự ATGT bền vững, một môi trường giao thông thân thiện nhân ái. Xây dựng VHGT là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi lẽ, VHGT chính là “bộ mặt của văn hóa đô thị” và hơn hết nó là “thước đo về văn hiến của dân tộc”. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: “VHGT bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa vật thể gồm hệ thống hạ tầng giao thông tốt, an toàn. Văn hóa phi vật thể là ý thức chấp hành, hệ thống quy định của pháp luật và việc xử lý xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe trước những hành vi vi phạm. Có thực tế là, chúng ta hay nói nhiều đến vấn đề tuyên truyền sâu rộng, mà quên mất khía cạnh là giám sát, cưỡng chế. Nhà nước và các cơ quan chức năng có trách nhiệm tạo ra môi trường giao thông tốt, có chức năng giám sát, cưỡng chế một cách liên tục!”. Các chuyên gia cũng cho rằng, người dân Thủ đô cần phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành luật giao thông, gìn giữ nét đẹp Hà Nội văn hiến. Theo đó, các cơ quan hữu quan cũng cần nâng cao hơn nữa sự quan tâm tới hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn.

Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 -2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội cho thấy những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Một đất nước mà để chết tới 9.000 người/năm vì TNGT là vẫn còn rất cao. Chúng ta phải giảm hơn nữa. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tìm biện pháp kéo giảm số người chết do TNGT toàn quốc xuống 5.000 người trong giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu là như vậy, nhưng để thực hiện thành công, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, các địa phương, cần có sự đồng thuận của Nhân dân. Người dân cần xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, coi việc phòng ngừa TNGT là nhiệm vụ của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông.