“Xây dựng bản đồ thích ứng” là khái niệm được GIZ phát triển nhằm tích hợp nhiều bản đồ nguy cơ vào trong 1 bản đồ thích ứng để giảm thiểu những bất lợi do phải sử dụng nhiều bản đồ riêng lẻ khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của các nhà quy hoạch đất đai, các nhà quản lý rủi ro thiên tai, các nhà đầu tư, công ty bảo hiểm và kể cả người dân.
Mục tiêu của Lớp tập huấn là giúp cho các học viên hiểu khái niệm và ứng dụng được bản đồ rủi ro thiên tai, bản đồ tổn thương, bản đồ thích ứng. Theo đó, học viên sẽ có thể đánh giá được những nguồn bản đồ khác nhau, tích hợp đồng bộ các bản đồ rủi ro riêng lẻ vào bản đồ, đa nguy cơ, bên cạnh đó học viên có thể sử dụng được các bản đồ kết quả.
Chương trình tập huấn tập trung vào hiểu và phân tích các tình huống thiên tai, ứng dụng vào bản đồ bằng phần mềm GIS. Học viên được cung cấp: Khái niệm lý thuyết về tính nguy cơ, tính dễ bị tổn thương và rủi ro; Làm quen với các đường cong dễ bị tổn thương và áp dụng các giá trị từ các đường cong này vào bản đồ trong GIS;
Khái niệm bản đồ nguy cơ với xác suất khác nhau và cách sử dụng bản đồ nguy cơ này; Cách xếp lớp các nguy cơ (rủi ro) khác nhau để tạo ra các bản đồ đa rủi ro; Khái niệm về bản đồ thích ứng và cách sử dụng bản đồ thích ứng để xác định các khu vực có mức độ nguy hiểm khác nhau.
Ông Olaf Neussner - chuyên gia của Chương trình Thoát nước và Chống ngập Đô thị Ứng phó với Biến đổi khí hậu của GIZ cho biết: Trước đây, Chương trình đã tổ chức 1 hội thảo định hướng cho các đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tại Cần Thơ để giới thiệu các nội dung cơ bản của bản đồ thích ứng.
Trong tập huấn này, GIZ hy vọng các học viên, là những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai sẽ nắm bắt nhanh và xây dựng được bản đồ thích ứng cơ bản cũng như ứng dụng các bản đồ đó trong công việc. Đồng thời hy vọng, trong tương lai sẽ có cơ hội hỗ trợ hơn nữa cho các cơ quan quản lý rủi ro thiên tai Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ngày càng trầm trọng như hiện nay.