Đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có như đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với hiệu quả trong công tác phòng, chống Covid-19 tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội vàng đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế hay không là cả một quá trình.
Trước cuộc đua tranh thu hút dòng vốn FDI quyết liệt giữa Việt Nam với các nước, một loạt các biện pháp được Chính phủ đưa ra đó là: Rà soát quỹ đất công nghiệp tại các địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động kỹ thuật có tay nghề đã tu nghiệp ở nước ngoài; hợp tác đào tạo lao động theo "đơn đặt hàng" của DN FDI; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng và năng lượng. Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng, điều này vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nữa là cần chính sách, pháp luật công khai, minh bạch, hấp dẫn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) dẫn chứng, một công ty đa quốc gia của Đức được mời gọi, "trải thảm đỏ", hứa hẹn ưu đãi. Thế nhưng khi thực hiện, Luật đầu tư quy định được hưởng ưu đãi nhưng Luật thuế lại chỉ ưu đãi với công ty thành lập mới. Do đã mở công ty đại diện từ trước, DN này không muốn mở thêm pháp nhân mới, khiến việc hưởng ưu đãi gặp khó.
Quy trình xử lý thủ tục phức tạp, kéo dài cộng thêm những ràng buộc về nguồn lực khiến việc đầu tư của cả nhà đầu tư "đại bàng" và "chim sẻ” tại Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, cần loại bỏ các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước. Để chủ động chuẩn bị các điều kiện đón dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ngoài chuẩn bị về mặt bằng, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực…
Việt Nam cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính, giảm tối thiểu các thủ tục đầu tư kinh doanh để rút ngắn kế hoạch triển khai đầu tư của các DN. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, quỹ đất công nghiệp, sớm sửa đổi các quy định còn chồng chéo và bất cập... để hấp dẫn các DN lớn đến Việt Nam đầu tư. Làm sao để không lặp lại câu chuyện Apple tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam.
Trong bối cảnh thuận lợi như hiện nay, nếu vì chậm trễ trong chính sách, vì chưa chuẩn bị kịp hạ tầng hay vì nguyên nhân nào khác mà chúng ta để lỡ mất thời cơ “đón sóng” thì quả thực rất đáng tiếc!