Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 6

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu tại cuộc họp ứng phó khẩn cấp với bão số 6 diễn ra sáng 10/11.

Quang cảnh cuộc họp ứng phó bão số 6 sáng 10/11
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 6 hiện đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km. Dự kiến vào đêm nay (10/11), bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11; sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 10/11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Từ ngày 10 - 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nam Phú Yên, Nam Khánh Hòa và Bắc khu vực Tây Nguyên lên mức báo động (BĐ) 1 - BĐ2, có sông lên trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3.
5 tàu cá trú tránh tại Philippines
Trước diễn biến của bão số 6, những ngày qua, cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tập trung thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phóng tránh. Đồng thời, thông báo, hướng dẫn di chuyển, gia cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho 123.729 lòng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 lao động.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin về tình hình tàu thuyền tại cuộc họp
Cùng với Công điện số 1512/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã tổ chức 3 Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 6. Ngày 9/11, hai đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 tại tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.
Trong ngày 10/11, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp sẽ đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại Phú Yên và Khánh Hòa.
Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu. Các Bộ: Quốc Phòng, Giao thông vận tải, Công Thương, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 6.
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sỹ, 2.300 phương tiện để túc trực, sẵn sàng ứng phó. Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp hỗ trợ hậu cần cho 5 tàu cá Quãng Ngãi đang trú tránh bão số 6 ở Philippines.
Có thể sơ tán trên 44.500 hộ dân
Cùng với Chính phủ, các bộ ngành T.Ư, các địa phương Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đang rốt ráo ứng phó bão số 6. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 7/11; tỉnh Khánh Hòa đã cấm ra khơi vào ngày 10/11. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (11/11).
Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ/181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất. Cụ thể, Quảng Ngãi: 13.227 hộ/47.883 người; Bình Định: 14.456 hộ/68.006 người; Phú Yên: 8.904 hộ/31.601 người; Khánh Hòa: 7.916 hộ/33.698 người.
Đến 6h sáng nay (10/11), tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ/693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn; chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 4 trường học; đưa 155 thuyền máy lên bờ. Trong khi đó, tỉnh Bình Định cũng đang khẩn trương sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.
Không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm
Trước nguy cơ bão số 6 giật cấp 11 đổ bộ trong đêm nay (10/11), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động, tránh chủ quan, lơ là trong ứng phó.
Người dân vùng biển Phú Yên di chuyển thuyền thúng lên bờ. Ảnh: Ngọc Hà. 
Bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1512/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 5 để sẵn sàng ứng phó với bão số 6.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.
Rà soát công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè thủy sản tại các khu neo đậu, tránh trú (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch). Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình hư hỏng, đang thi công và các hồ đã đầy nước, hồ nhỏ.
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển, khu vực qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu; các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi có sự cố.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương cân nhắc, dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung toàn lực cho công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 6, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão có thể gây ra.