Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dũng cảm phá bỏ hạnh phúc giả tạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn gia đình cô đề huề, 2 con một trai một gái, chồng lại làm sếp, ai cũng bảo số cô sướng. Thế nhưng, “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, mới biết những cái “xuống tay” đến tím mặt mũi của chồng dành cho cô.

Có nên giải thoát cho mình?

Chồng hơn cô đến 10 tuổi, nên tính cách có phần trầm tĩnh và chín chắn. Hai người có 3 năm tìm hiểu yêu thương mới tiến đến hôn nhân. Thời yêu nhau, anh khá chiều cô, lại chăm chỉ, chịu khó, trải qua nhiều giai đoạn vất vả mới có được vị trí giám đốc công ty như hiện nay. Cô tuy không mỹ miều, nhưng thời trẻ vẫn được coi là ưa nhìn nên bao chàng trai để ý. Nhưng cô chọn anh vì khi ấy anh chín chắn, hiền lành và yêu cô. Lấy anh khi bố chồng ung thư giai đoạn cuối, mọi việc chăm sóc ông trong viện đều một tay cô lo. Ngày đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, từng bộ quần áo mới cho ông mặc khi nhập quan, đến nén hương, mâm cơm thắp trên bàn thờ suốt 49 ngày sau khi mất cũng do cô chu tất. Cho dù lúc đó, cô mang bầu tháng thứ 7, bụng to vượt mặt, nhưng không nửa lời kêu than. Sau khi bố chồng mất, mẹ chồng cũng đi viện triền miên, từ ngày làm vợ anh, chưa một ngày nào cô không tất tả về nhà sau mỗi giờ tan làm.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng từ khi có tiền, anh thành con người khác, cờ bạc và cả trai gái. Cứ nửa đêm, sau những cuộc rượu chè no say, những lần thác loạn cùng cô bồ nào đó, anh lại về nhà hành hạ cô. Nhiều lần sợ con nghe tiếng, cô kéo anh về phòng rồi tự mình chịu đựng những  câu chửi thô lỗ, vô lý của chồng. Lúc đầu tháng chỉ một đôi lần, sau rồi như cơm bữa. Đủ thứ lý do anh đưa ra để hành hạ cô, anh muốn cô hoàn hảo, xinh đẹp như mấy cô gái văn phòng cơ quan, trẻ trung chỉ biết ăn và sơn sửa làm đẹp. Nhưng cũng yêu cầu cô phải biết nhẫn nhịn mỗi khi anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Anh “mắng” cô không làm ra tiền, khiến anh phải nai lưng làm trụ cột kinh tế gia đình, dù từ ngày về làm dâu, cô chưa bao giờ được quản nguồn thu của chồng. Đến giờ, mang tiếng là phu nhân giám đốc, nhưng mỗi buổi sáng, anh quẳng cho cô 200 ngàn đồng, nói là tiền lo đi chợ, lo cho gia đình cả ngày. Tiền học của con, tiền thăm nom đối ngoại trong nhà đều một mình cô chắt chiu lo cả.

Biết tính anh thích oai, cô đã chịu khó làm đẹp, chịu khó cười mỗi khi ra đường để hàng xóm, đồng nghiệp cho rằng gia đình hạnh phúc. Chồng có nói gì làm gì sai cô cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không được góp ý, không được ý kiến gì nếu không lại… ăn đòn. Vì giữ sĩ diện cho chồng, cho mình, cô chưa từng dám chia sẻ với ai. Sau mỗi lần bị hành hạ thân xác, cô lại muốn đâm đơn ly dị, nhưng lại thương hai đứa con và cũng không đủ dũng khí để vượt qua cái vỏ bọc hạnh phúc giả tạo. Thế nhưng sau trận đánh tưởng như muốn giết cô của anh đêm qua, cô quyết định phải làm gì đó giải thoát cho mình.

Tuyên truyền để giảm bạo lực gia đình

Câu chuyện gia đình vô lý kia không phải là cá biệt. Theo thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2014, 32% số vụ ly hôn trên địa bàn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Thế nên, việc tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình đã được Sở VH&TT Hà Nội tăng cường. Tính từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với một số đơn vị in phát hành 50.000 tờ rơi, tờ gấp về bạo lực gia đình, truyền tải bộ sách giáo dục đời sống gia đình và các văn bản Luật cho cơ sở, tuyên truyền tới đông đảo quần chúng Nhân dân, tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình TP, tổ chức triển lãm ảnh “Nét đẹp văn hóa gia đình người Hà Nội”; xây dựng phim tài liệu tuyên truyền về “Gia đình văn hóa”… Những vụ việc phản ánh thông qua 200 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn đã giảm đáng kể, do các chị em được tuyên truyền và nắm vững những quy định của luật pháp về quyền của phụ nữ.

Hướng đến Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Sở VH&TT Hà Nội hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan cùng cấp tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tổ chức treo panô, áp phích, băng zôn khẩu hiệu tại các trục đường chính, điểm nút giao thông quan trọng tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Ngày gia đình; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các thông điệp truyền thông về công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới... nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi tới gia đình, cộng đồng xã hội.