Kinhtedothi - Trước làn sóng giải thể chưa có dấu hiệu dừng lại của các đội bóng Việt Nam, dư luận đang tự hỏi, vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Xin thưa rằng, vấn đề sẽ được giải quyết nếu bóng đá Việt Nam quan tâm đến những tiêu chí của một CLB chuyên nghiệp. Bởi khi đó, sẽ không còn tình trạng một đội bóng nghỉ chơi vì thiếu tiền, hay giận dỗi với cách hành xử của Ban Tổ chức giải.
Tối hậu thư của AFC
Hôm qua là ngày cuối cùng để các đội bóng Việt Nam đăng ký việc thực thi các tiêu chí chuyên nghiệp mà Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC đưa ra. Theo đó, để được cấp phép hoạt động, các đội bóng phải đáp ứng được hàng chục tiêu chí về hành chính, đào tạo, cơ sở vật chất và đặc biệt là tài chính. Đây là điều mà AFC đã khuyến cáo bóng đá Việt Nam trong suốt một thập kỷ qua. Bởi, theo tổ chức này, để một đội bóng hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp thì họ phải đảm bảo những điều kiện cần thiết. Họ phải chứng tỏ rằng, mình có đủ cơ ngơi cần thiết cũng như khả năng đảm bảo về tài chính chứ không thể chỉ phụ thuộc vào sự chịu chơi của một ông bầu. Hay nói cách khác, khi tham gia vào sân chơi, các đội bóng cần phải được đầu tư và cam kết thi đấu lâu dài.
Câu lạc bộ B.Bình Dương tại lễ trao giải vô địch V - League mùa bóng 2014.
|
Thiện ý và tầm nhìn của AFC là rõ ràng, nhưng suốt một thời gian dài, bóng đá Việt Nam đã xin chậm thực hiện các yêu cầu của tổ chức này. Bởi lẽ, nhiều đội bóng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng những tiêu chí khắt khe mà AFC đưa ra. Thế nên, nếu kiên quyết thực hiện việc cấp phép chuyên nghiệp thì nhiều khả năng, nhiều đội bóng sẽ không đủ tiêu chuẩn dự giải.
VFF muốn các đội bóng có thêm thời gian để đáp ứng tiêu chí mà AFC đưa ra. Thế nhưng, thiện ý đó lại là cơ hội để nhiều đội bóng "câu giờ" và tiếp tục tồn tại với sự thiếu chuyên nghiệp. Và trong suốt thời gian này, bóng đá nước nhà phải cay đắng chia tay nhiều thương hiệu truyền thống chỉ vì không đảm bảo về tài chính. Nhiều ông bầu đến thì hào hứng, đi thì lạnh lùng mà cơ quan quản lý không có bất cứ chế tài nào để xử lý.
Thắt chặt đầu vào
Bắt đầu từ mùa giải này, VFF sẽ quan tâm hơn đến vấn đề cấp phép. Có nghĩa là để được phép tham gia thi đấu, các đội bóng phải đáp ứng được những yêu cầu mà AFC đưa ra. Trong đó, vấn đề mấu chốt là các ông bầu phải chứng tỏ rằng, đội bóng mà họ sở hữu sẽ đủ năng lực tài chính bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.
Việc VFF thắt chặt đầu vào có thể khiến nhiều ông bầu phải cân nhắc khi đầu tư vào bóng đá. Bởi để được thi đấu, họ phải đầu tư rất nhiều tiền và quan trọng hơn, tìm ra được nguồn kinh phí để duy trì đội bóng trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự cương quyết ấy ban đầu có thể khiến sân chơi bớt sôi động, nhưng về lâu về dài, nó có thể mang đến sự ổn định cho cả nền bóng đá. Bởi khi ấy, sự tồn tại của một đội bóng không phụ thuộc vào việc muốn hay không muốn của một ông bầu.
Sự xáo trộn của nền bóng đá đòi hỏi các nhà quản lý phải tìm ra được con đường đi phù hợp. Chuẩn hóa mô hình hoạt động là yêu cầu sống còn trong bối cảnh hiện tại. Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm đó chính là việc, các nhà quản lý cần phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo ra những con người của bóng đá chuyên nghiệp và vì bóng đá chuyên nghiệp.