Dùng công nghệ ngăn “quái vật” ăn mòn đất liền

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam có 3.260km bờ biển nhưng có tới gần 1.000km bị xói lở nghiêm trọng. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy đất liền cũng sụt lún, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lún nhanh hơn gấp 10 lần tốc độ nước biển dâng.

Ở TP Hồ Chí Minh đến năm 2100, nước biển dâng khoảng một mét, sẽ khiến gần 18% diện tích có nguy cơ ngập. Giải pháp tổng thể để làm chậm quá trình này, trong đó công nghệ không thể đứng ngoài cuộc.
Những bãi biển đẹp có nguy cơ biến mất
Bãi biển Hội An cách Đà Nẵng khoảng 25km về phía Nam, là một trong những TP đẹp nhất của Việt Nam nhưng đang bị đe dọa bởi quá trình xói mòn. Chỉ trong 10 năm qua, đường bờ biển đã xói lở nghiêm trọng có những điểm lên tới 200m.
 TS Lê Quang Hanh - Giám đốc Công ty CP Công trình ngầm FECON.
Dọc bờ biển của Việt Nam tình trạng tương tự rải rác khắp nơi như Cửa Lở (Quảng Nam), Đà Rằng (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa)… cũng nghiêm trọng không kém.
Nghiên cứu mới nhất vừa công bố hồi đầu tháng10/2019 của các nhà khoa học Đại học Utecht (Hà Lan) cho thấy, ĐBSCL chỉ cao hơn 0,8m so với mực nước biển (thấp hơn gần 2m so với những giả định trước đây). Tại một số khu vực ven biển, nền đất lún từ 20 - 30 mm/năm. Với tốc độ này trong 100 năm tới, ĐBSCL sẽ chỉ cao hơn 0,45m so với mực nước biển.
Là người chủ trì dự án tìm giải pháp bảo vệ bờ biển ở Nha Trang (Khánh Hòa) và Hội An (Quảng Nam), GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho biết, qua nghiên cứu và khảo sát thực tế thấy tình trạng sụt lún, xói lở bờ biển rất đáng lo ngại. Khi thực hiện nghiên cứu ở Nha Trang, từ các dữ liệu khảo sát hiện trường kết hợp với mô hình toán, các công nghệ giám sát camera theo thời gian thực, nhóm nghiên cứu đã tính toán được đặc trưng động lực học hình thái vùng vịnh Nha Trang.
Thông qua các thiết bị hiện đại LIDAR, ADCP, AWAC đo sóng, dòng chảy, tìm cơ chế vận chuyển bùn cát, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sóng ven bờ biển có xu thế tăng chiều cao từ Bắc xuống Nam. Dọc theo bờ biển khu vực nghiên cứu tồn tại các dòng chảy rip (dòng chảy mạnh hướng ra biển) trong mùa gió Nam Đông Nam. Những tác động này khiến bãi biển dễ bị ăn mòn và giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra, trong đó có giải pháp cứng (công trình) và giải pháp mềm (nuôi bãi nhân tạo).
Theo GS Nguyễn Trung Việt, các nghiên cứu đều chỉ ra những nguy cơ hiện hữu đó là sự xói mòn nghiêm trọng. “Đây là thực tế được chứng minh bằng các nghiên cứu cụ thể, nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rất có thể những bãi biển đẹp sẽ biến mất…” - GS Việt nói và minh chứng tại Hội An từ năm 2004, địa điểm du lịch nổi tiếng này đang bị đe dọa bởi các quá trình xói mòn nghiêm trọng có thể phá hủy tất cả các bãi biển nơi đây.
Các nghiên cứu đã chỉ rõ nguyên nhân, ngoài yếu tố tự nhiên, biến đổi khí hậu và tác động của dòng chảy, thủy điện phía thượng lưu làm lắng đọng bùn cát giảm số lượng bùn cát xuống hạ lưu gây nên xói lở, đồng thời khai thác cát ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Với việc sụt lún ĐBSCL, ngoài nước biển dâng, nguyên nhân lớn còn do hậu quả của khai thác nước ngầm.
Có công nghệ, không dễ ứng dụng
Trong các nghiên cứu, nhà khoa học đều đề xuất giải pháp cụ thể. Như ở dự án bờ biển Nha Trang, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp công trình nuôi bãi nhân tạo, nuôi bãi nhân tạo kết hợp mỏ hàn ngầm. Từng phương án được thiết kế sơ bộ, khái toán giá thành chi tiết và chỉ rõ những ưu điểm, tồn tại của từng phương án nhưng do thiếu kinh phí thực hiện, các đề xuất vẫn nằm trên giấy.

“Hiện đã có nhiều công nghệ hiện đại Việt Nam hoàn toàn tiếp cận và có thể ứng dụng như công nghệ của Hà Lan, Pháp, hay Nhật Bản… Tuy nhiên, chúng tôi gặp thách thức rất lớn, vì giải pháp nào cũng cần sự đầu tư đồng bộ, trong khi việc bố trí kinh phí không phải là vấn đề đơn giản” – GS Việt nói.
Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Quang Hanh – Giám đốc Công ty CP Công trình ngầm FECON (FECON Underground) nêu thực tế khi đưa công nghệ mới vào ứng dụng khó khăn lớn nhất là chưa có định mức đơn giá của Nhà nước. Ví dụ, theo quy định, một khối bê tông sản xuất theo công nghệ truyền thống là 1,5 triệu đồng, nếu đưa một công nghệ mới vào, chất lượng cao hơn, tiến độ nhanh hơn mà không phải bảo dưỡng, chi phí hết 1,6 triệu đồng, đề xuất này sẽ không được duyệt.
Theo quy định này, đơn vị ứng dụng công nghệ mới không dám áp dụng vì không có trong định mức đơn giá qui định. Người phê duyệt cũng e ngại vì có thể sẽ bị quy vào việc cố ý làm trái. “Ở FECON cũng vậy, hiện chúng tôi tiếp nhận rất nhiều công nghệ mới, nhưng chỉ áp dụng với các hợp đồng EPC của nước ngoài (E: Engineering, P: Purchase, C: Construction).
FECON đang áp dụng công nghệ Jet Grouting đường kính lớn (khoan phụt vữa áp lực cao) để gia cố nền đất khu vực nhà hát TP, đảm bảo thi công đào hầm ngay bên cạnh mà không ảnh hưởng đến công trình hiện hữu. Công nghệ này rất hiện đại, đã áp dụng trong TP Hồ Chí Minh nhưng là công nghệ tiếp nhận từ nước ngoài, chỉ khi làm việc với nhà thầu EPC dự án vốn nước ngoài, FECON mới có thể áp dụng công nghệ tiên tiến này” - TS Hanh cho biết.
GS Việt khẳng định, việc nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ tiên tiến hiện không còn là bài toán khó với Việt Nam. Điều quan trọng, sau khi nghiên cứu, xác định được nguyên nhân, giải pháp nhưng để ứng dụng là câu chuyện cần phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo cơ chế và các DN đồng hành/đỡ đầu các sản phẩm KHCN.
“Nếu có sự tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sự vào cuộc của các DN là hợp tác công tư thì việc kết hợp giữa DN và nơi ứng dụng cùng các nhà khoa học sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đưa công nghệ mới vào Việt Nam” - GS Nguyễn Trung Việt nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần